Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang (14:03 06/03/2020)


HNP - Sáng 06/3, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội thảo “Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang”, nhằm ôn lại truyền thống, khẳng định giá trị to lớn, ý nghĩa lịch sử và thời đại của phong trào “Ba đảm đang”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tham quan không gian trưng bày các bộ sưu tập áo dài


Tham dự hội thảo có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố.

Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” khởi nguồn từ sáng kiến của phụ nữ Đan Phượng, được Trung ương Hội chính thức phát động tại Chỉ thị số 03/CT, ngày 22/3/1965, với tên gọi ban đầu là “Ba đảm nhiệm”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm gợi ý đổi tên thành “Ba đảm đang”. Phong trào trở thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong phụ nữ toàn miền Bắc. 
 
Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang, Hội LHPN Hà Nội và Hà Tây (cũ) đã cụ thể hóa nội dung, triển khai sâu rộng phong trào tới các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 50 vạn phụ nữ thuộc các lứa tuổi, thuộc mọi thành phần ghi tên tình nguyện “Ba đảm đang” với khí thế thi đua sôi nổi. Hàng nghìn nữ thanh niên, trong đó, có nhiều chị vừa rời ghế nhà trường đã hăng hái gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng đi tới vùng đất lửa, mở các con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng vạn đơn tình nguyện cho chồng con đi chiến đấu. Toàn Hà Nội dấy lên phong trào “Phụ nữ Thủ đô đảm đang sản xuất, công tác thay thế nam giới đi chiến đấu; ra sức đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sản xuất, chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con tốt; phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm”. Trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, phụ nữ Thủ đô thể hiện rõ nghị lực phi thường với khẩu hiệu “Địch đánh một ta làm mười”; “Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”, “Tay cày, tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”...
 
55 năm đã trôi qua những dấu ấn của phong trào phụ nữ Ba đảm đang mãi là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Thủ đô, là minh chứng sinh động cho tinh thần yêu nước nồng nàn và nhiệt tình cách mạng, sức mạnh to lớn của chị em phụ nữ trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội thảo
 
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của Thủ đô ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thế hệ phụ nữ Hà Nội. Mảnh đất Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội ngàn năm văn hiến tự hào là quê hương, là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của nhiều nữ anh hùng dân tộc, nữ danh nhân. Từ thủa bình minh của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng xuất hiện những người phụ nữ tài giỏi, giàu lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, vì sự trường tồn của dân tộc. 
 
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của phong trào "Ba đảm đang", trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa nghị quyết và các chương trình công tác của Thành ủy, vận dụng sáng tạo, tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô, như: Phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc" đã được Trung ương Hội nhân rộng thành phong trào trong toàn quốc; các phong trào "Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác ra đường và nơi công cộng", "Phòng chống ma túy từ gia đình”, cuộc vận động Xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ “Tự Tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” được thực hiện với hình thức đa dạng, phong phú thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, tham gia xây dựng nông thôn mới, trật tự văn minh đô thị có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình phong phú, sáng tạo. Các chương trình, đề án hỗ trợ cho sự phát triển của phụ nữ, vai trò của tổ chức Hội trong giám sát, phản biện xã hội được nâng lên đã góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
 
Thay mặt Thành ủy, HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả trong các phong trào thi đua yêu nước của Hội LHPN Hà Nội và các tầng lớp phụ nữ trong thời gian qua.
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô năm 2020, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Ban Chấp hành Hội LHPN Hà Nội tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang phụ nữ Ba đảm đang trong thời kỳ mới, tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Thành phố, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên phụ nữThủ đô. Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, thực hiện có hiệu quả “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
 
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô và của Hội. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025. 
 
Tích cực phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt Quy định 217/QĐ-TW, Quy định 218/QĐ-TW của Bộ Chính trị, nâng cao hiệu quả công tác giám sát phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Chủ động tham mưu công tác giới thiệu nhân sự nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 (tỷ lệ 15% trở lên); tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện đại hội đảng, thi đua thực hiện các công trình, phần việc thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần vào việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu Ban Chấp hành Hội LHPN Hà Nội tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; xây dựng nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Xây dựng, củng cố tổ chức Hội LHPN Hà Nội vững mạnh, toàn diện; chú trọng quan tâm, hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn các cơ sở Hội, chi, tổ phụ nữ, đội ngũ cán bộ Hội cấp xã và thôn, tổ dân phố theo Đề án số 06-ĐA/TU, Đề án 21-ĐA/TU của Thành ủy; Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, tập hợp, thu hút hội viên.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t