Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp (15:56 28/07/2017)


HNP - Sáng 28/7, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành uỷ chủ trì hội nghị. Cùng dự có Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành uỷ Nguyễn Quang Huy. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị


Báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy, các quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trong Thành phố đã sâu sát, kịp thời, thường xuyên và đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác. Nổi bật là, các đơn vị trong khối tư pháp đã tích cực tham gia góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các ngành, các cấp, đặc biệt là việc lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn bộ luật, luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có chất lượng, được các cơ quan Trung ương đánh giá cao.
 
Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có nhiều đổi mới, chất lượng các mặt công tác có những chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên rõ rệt. Các tin báo, tố giác tội phạm đã được Công an Thành phố tiếp nhận, xác minh nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định. Trong 6 tháng đầu năm, Công an Thành phố đã giải quyết 7.270 tin báo tố giác tội phạm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Đã xác minh 5.359 đơn, đạt 74,2%. Trong đó, xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật 2.439 đơn. Khởi tố vụ án hình sự 2.074 vụ, xử lý hành chính 213 vụ, xác định không có vi phạm pháp luật 2.956 đơn, chuyển cơ quan khác 152 đơn, đang xác minh 1.875 đơn...
 
Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi đơn vị. Đặc biệt, việc phối hợp tốt trong việc điều tra, truy tố, xét xử lưu động, xét xử các vụ án hình sự trọng điểm, các vụ án tham nhũng, tệ nạn xã hội... đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng tính răn đe, giáo dục. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ điều tra, khám phá án hình sự của Công an Thành phố đạt gần 80%, trong đó trọng án đạt 100%.
 
Đáng chú ý, công tác hoà giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính cũng đã được tập trung, làm tốt trong 6 tháng đầu năm. Toà án hai cấp đã tiến hành hoà giải thành công 5.519 vụ, chiếm 68% số án dân sự. Hoạt động của cơ quan bổ trợ tư pháp trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ có nhiều đổi mới. Chất lượng các mặt công tác có những chuyển biến tích cực. Việc xã hội hoá trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, thừa phát lại, đấu giá... đã giảm tải hiệu quả công việc và hỗ trợ tích cực đối với hoạt động các cơ quan tư pháp. 
 
Tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá cao sự chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ toàn diện các lĩnh vực công tác cải cách tư pháp, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong thực thi nhiệm vụ, như tỷ lệ xử lý tin tố giác tội phạm chưa đạt chỉ tiêu; còn để xảy ra sai sót trong hoạt động điều tra, tố tụng, dẫn đến còn án quá hạn, án phải cải sửa; tỷ lệ thi hành án dân sự tuy có tăng về số việc và số tiền, song vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu, công tác thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xử lý tài sản đảm bảo...; còn tình trạng phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; việc quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng còn bất cập...
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy và nỗ lực của các cơ quan tư pháp, công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2017 đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Cơ bản thống nhất với những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cơ quan tư pháp, cấp ủy và chính quyền các cấp tập trung đề ra các giải pháp để khắc phục triệt để. Nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm, nhiều bộ luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp có hiệu lực thi hành, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp cùng các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, gắn với nội dung các bộ luật sắp có hiệu lực; tổ chức đào tạo, tập huấn tới đội ngũ cán bộ để có thể triển khai ngay sau khi các bộ luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp có hiệu lực thi hành.
 
Cùng với đó, tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các vụ án tham nhũng, án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, các vụ án dân sự, lao động, hành chính... hạn chế thấp nhất tỷ lệ án tồn, quá hạn, án phải hủy, phải cải sửa. Đối với công tác thi hành án dân sự, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự Thành phố chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác này, để tăng về kết quả giải quyết số việc, số tiền, giảm tỷ lệ án tồn đọng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong lĩnh vực án kinh tế, tham nhũng; rà soát danh sách các bản án tuyên không rõ, khó thi hành để giải thích hoặc báo cáo cơ quan cấp trên. Đặc biệt, khắc phục ngay việc phối hợp chưa chặt chẽ giữa cơ quan thi hành án dân sự với UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan.
 
Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy cũng nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo điều kiện để lĩnh vực này hoạt động hiệu quả, cung cấp cho nhân dân những dịch vụ bổ trợ tư pháp chuyên nghiệp, chất lượng. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, hoàn thành chuyển 2 phòng công chức thuộc Sở Tư pháp sang hoạt động theo mô hình Văn phòng công chứng. 
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, sát với đặc thù từng đơn vị. Thực hiện tốt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các chức danh tư pháp, nhất là bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t