Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng (16:23 21/06/2017)


HNP - Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng những vấn đề của cách mạng Việt Nam trên mọi lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động báo chí. Tư tưởng của Người, những lời dạy của Người về báo chí cách mạng là những định hướng cho suy nghĩ và hành động của những người cầm bút trong suốt thời gian qua, hiện nay và mai sau.

Từ thực tiễn hoạt động sinh động của cách mạng Việt Nam, Người am hiểu sâu sắc hoạt động báo chí, coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 21/06/1925, tờ Thanh niên ra đời và xuất bản số đầu tiên mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua 92 năm đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và chính Người, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng 2.000 bài báo, sử dụng hơn 50 bút danh đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội, để lại cho dân tộc một di sản báo chí vô cùng quý báu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi (1965), Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”; “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ đề trung tâm của báo chí cách mạng Việt Nam, đó là độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Bác dạy: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do…Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý… Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì đó có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”. Bác dặn dò: “Báo của ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.

Với Hồ Chủ Tịch, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Bác dạy: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Đến Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.

Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn cán bộ báo chí, trước hết là Tổng biên tập: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”.

Về kỹ năng viết báo: Bác dạy: “Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì?” Phải đặt câu hỏi: “Viết cho ai? - Viết cho đại đa số: Công - Nông - Binh”. Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng. Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù, thì viết mới đúng. Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”. “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem; viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải là có đầu, có đuôi. Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng; viết phải thiết thực.

Ở nước ta đã hình thành một hệ thống báo chí hoàn chỉnh với các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, đảm nhiệm chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã tích cực tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua, lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, động viên đồng bào cả nước vượt qua khó khăn, thử thách, khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Đến nay, cả nước đã có trên 800 cơ quan báo chí với hơn 1.000 ấn phẩm, sản phẩm báo chí. Bắt đầu từ năm 1997, báo điện tử chính thức hòa mạng Internet. 20 năm qua, báo điện tử đã phát triển mạnh mẽ, trở thành công cụ có hiệu quả trong việc thông tin tuyên truyền các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tới nhân dân trong nước và quốc tế. Những con số này nói lên sự lớn mạnh của báo chí cách mạng Việt Nam sau 92 năm kể từ khi báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời. Báo chí không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân mà còn phản ánh kịp thời, phân tích, đánh giá đúng mức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và định hướng dư luận xã hội về các sự kiện, các vấn đề thời sự trong nước và trên thế giới. Báo chí có trách nhiệm phát hiện, phản ánh kịp thời các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt, đạt hiệu quả cao trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch... Có thể nói, báo chí đã đóng góp lớn vào sự nghiệp đổi mới, đi đầu trong việc phản ánh thực tiễn, khẳng định tính tất yếu của đổi mới; góp phần trong việc tổng kết về mặt lý luận và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, báo chí đã góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, các biểu hiện tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Báo chí cũng góp phần quan trọng trong tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng. Tư tưởng của Người về báo chí cách mạng luôn là những bài học sâu sắc và vô cùng quý giá đối với thế hệ các nhà báo hôm nay và mãi mãi mai sau.


HNP (Tổng hợp)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t