Đan Phượng: Xứng danh lá cờ đầu trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (21:27 29/08/2019)


HNP - Đan Phượng là địa phương đi tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Không dừng lại ở đạt chuẩn các tiêu chí mà huyện tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Với việc bắt tay vào xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, một lần nữa Đan Phượng lại đi tiên phong toàn thành phố về xây dựng NTM nâng cao.

Những con đường bích họa góp phần đổi mới diện mạo nông thôn mới trên quê hương Đan Phượng


Xác định Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, huyện đã thực hiện với quyết tâm chính trị cao, kiên trì, bền bỉ, có phương pháp, cách làm khoa học, quyết liệt, chọn đúng trọng tâm, trọng điểm theo từng giai đoạn. Đặc biệt, tinh thần mà Ban Chỉ đạo Thành ủy truyền tải đã được Huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đó là xây dựng NTM lấy nội lực là căn bản, là sự nghiệp của toàn dân và nhân dân chính là chủ thể thụ hưởng thành quả đó. Tinh thần đó đã thẩm thấu tới từng nhà, từng người dân của Huyện trong suốt 10 năm qua. 
 
Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được quan tâm, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, qua đó đã tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là nhân dân về vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, là của nhân dân, do nhân dân quyết định, để từ đó tích cực tham gia thực hiện.
 
Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã được lan rộng trong toàn Huyện, được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng, phấn khởi thi đua thực hiện. Trong 10 năm, ngoài nguồn ngân sách, Đan Phượng đã huy động các doanh nghiệp, nhân dân đóng góp 593 tỷ đồng xây dựng NTM, ngoài ra, nhân dân còn đóng góp 500 nghìn ngày công lao động, hiến gần 3.000m2 đất mở đường, nguyên vật liệu, máy móc, các sáng kiến xây dựng NTM.
 
Trong phát triển nông nghiệp, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, làm cơ sở để mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tạo thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên rõ rét, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
 
Toàn huyện có 9 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, như giống lúa Thiên Ưu 8, JO2, rau hữu cơ an toàn (Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân), nấm (Đan Phượng, Hạ Mỗ), hoa lan Hồ Điệp (Phương Đình), hoa lyli, đồng tiền; các giống bò Laisind 3B, bò sữa, lợn nạc, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 20 ha tại vùng bãi giữa sông Hồng xã Liên Trung,… Giá trị trên 1ha đất canh tác bình quân tăng từ 80 triệu đồng/ha năm 2010 lên 186 triệu đồng/ha năm 2018. Các mô hình sản xuất mang lại sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ tiêu thụ; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng được nhãn hiệu bưởi tôm vàng Đan Phượng. Triển khai và áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm; duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn thực phẩm cho các trường học trong huyện và các siêu thị. Toàn huyện có 6 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, 5 tổ hội nghề nghiệp. Triển khai đến các doanh nghiệp, hộ gia đình đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đã có 29 sản phẩm thuộc 5 nhóm sản phẩm của 150 tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đăng ký tham gia.
 
Mô hình trồng lan hồ điệp mang lại hiệu quả kinh tế cao
 
Từ một huyện có nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, tuy nhiên, với quyết tâm chính trị, tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp đã lan tỏa và tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Các mục tiêu nhiệm vụ của chương trình đã được Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, sáng tạo, hiệu quả. Nhờ vậy, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, là Huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM và có 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung là những xã đầu tiên của thành phố Hà Nội được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.
 
Diện mạo nông thôn có sự chuyển biến, khởi sắc rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, liên xã, trục thôn, ngõ xóm. Trong 10 năm, huyện đã đầu tư xây dựng 53,77km đường trục xã, 88,18km đường trục thôn, 139,1km đường ngõ xóm, 102,7km đường giao thông nội đồng. Các tuyến đường đều được bê tông hóa và nhựa hóa. Đã có 44/48 trường học đạt chuẩn quốc gia (tăng 11 trường so với năm 2010 và 9 trường so với năm 2015); trong đó có 4 trường tiểu học học đạt chuẩn mức độ 2. Mô hình bác sỹ gia đình triển khai hiệu quả tại xã Tân Hội và đang được nhân rộng trong toàn huyện, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 87,6% (tăng 55,6% so với năm 2010). Hoàn thành đặt tên đường, gắn biển số nhà trên địa bàn toàn huyện. Cảnh quan, môi trường được đảm bảo, mỗi xã đều có 1-2 tuyến đường trồng hoa, cây xanh. Lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường giao thông đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
 
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 45,6 triệu đồng/người/năm (tăng 3,33 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,21% xuống còn 0,66%. Đến nay, toàn huyện có 114/120 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư. Các thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, sức khỏe cho nhân dân. Chú trọng nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa, tỷ lệ thôn, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa năm 2018 đạt 95/120 đạt 79,2%.
 
Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, Đan Phượng sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân theo hướng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
 
Tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị, quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, hoàn thiện các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị. Điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
 
Phấn đấu năm 2019 có ít nhất 6 trong 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.Năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Đan Phượng xây dựng xã nông thôn mới “Tràng An”.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t