Bước phát triển mới ở Đan Phượng (15:34 08/12/2017)


HNP - Đến Đan Phượng hôm nay, bên cạnh ấn tượng về một vùng đất màu mỡ “bờ xôi ruộng mật” với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, còn cảm nhận được nhịp sống đi lên của người dân nơi đây. Đan Phượng trở thành điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của TP Hà Nội để nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nghề trồng hoa chất lượng cao ở huyện Đan Phượng hiệu quả kinh tế cao


Từ hướng đi đúng

Đi trên cánh đồng hoa chất lượng cao của xã Hạ Mỗ, mới thấy rõ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích đất trồng lúa trước đây đã nhường chỗ cho cây hoa. Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết, thời điểm này, nông dân địa phương đang tất bật chăm sóc các loại hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Chị Hằng nhẩm tính, mỗi sào trồng hoa trừ chi phí, người dân thu lãi từ 50 đến 60 triệu đồng/lứa; một năm trồng hai lứa hoa trong vòng 6 tháng, một sào thu lãi trên 100 triệu đồng, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cấy lúa... Không riêng gia đình chị Hằng mà nhiều người dân ở xã Hạ Mỗ đang áp dụng biện pháp kỹ thuật, tính toán thời điểm thu hoạch hoa để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán với kỳ vọng được mùa, được giá.

Hoa, cây ăn quả là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thu nhập gấp 5-6 lần so với trồng lúa và cây màu khác. Với lợi thế có diện tích đất nông nghiệp màu mỡ, phì nhiêu, bằng phẳng, độ cao phù hợp, ngoài ra nằm tiếp giáp nội thành nên nhiều xã, thị trấn của huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đơn cử, xã Thượng Mỗ đã chú trọng mở rộng diện tích trồng bưởi tôm vàng. Ông Nguyễn Văn Chung, thôn 2 An Sơn 2, xã Thượng Mỗ cho hay: "Gia đình tôi trồng 1 mẫu bưởi tôm vàng ở khu vực đất bãi ven sông Hồng. Nhờ đó, hầu như năm nào cũng có thu nhập từ 500 đến 550 triệu đồng".

Theo lời Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ cho biết, bưởi tôm vàng không chỉ có hương vị ngọt thanh, dịu mát đặc trưng mà còn có mùi thơm lâu. Đặc điểm này, khiến bưởi tôm vàng của Đan Phượng nổi tiếng khắp nơi nên hiệu quả kinh tế từ trồng bưởi khá cao. Vì vậy, thời gian tới, địa phương sẽ duy trì diện tích trồng khoảng 80ha bưởi tôm vàng. Đây là nguồn thu lớn góp phần nâng cao đời sống cho nông dân Thượng Mỗ.

Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, không phải bỗng nhiên xã Hạ Mỗ và Thượng Mỗ có được thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Để giúp người dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung trên quy mô lớn, hai xã này đã xây dựng kế hoạch và được huyện phê duyệt. Từ đây, ngân sách huyện, xã đã đầu tư cải tạo kênh mương, đường giao thông, đường điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Cùng với đó, huyện tổ chức khoá đào tạo, tập huấn giúp người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Chương trình số 05-CTr/HU về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao sinh thái bền vững giai đoạn 2011-2015. Theo đó, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 24/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi để thực hiện các dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây hoa, cây ăn quả. Chỉ tính riêng 2 năm (2012-2013), huyện đã phê duyệt 5 dự án trồng hoa. Trong đó, dự án sản xuất hoa chất lượng 50ha ở xã Hạ Mỗ và mở rộng thêm diện tích lân cận đạt tổng diện tích 63ha. Tương tự, dự án sản xuất hoa chất lượng 15ha ở xã Đồng Tháp; dự án sản xuất hoa chất lượng 8,1ha ở xã Đan Phượng; dự án sản xuất rau an toàn điều chỉnh sang trồng hoa chất lượng 5ha ở xã Đan Phượng; dự án sản xuất hoa chất lượng 12,8ha ở xã Hạ Mỗ. Nhiều diện tích chuyển đổi trồng hoa cho thu nhập 750 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hécta/vụ đã mở ra hướng làm giàu cho nông dân.

Nâng cao giá trị, phát triển bền vững

Theo đánh giá, huyện Đan Phượng từ lâu đã nằm trong tốp đầu của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Với nhiều lợi thế như khí hậu ôn hòa, ruộng vườn phì nhiêu, người dân cần cù, năng động, có truyền thống sản xuất nông nghiệp với trình độ thâm canh cao, lại nằm gần các thị trường có sức tiêu thụ nông sản hàng hóa lớn..., Đan Phượng hoàn toàn có điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp có hàng hóa đa dạng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ: Đan Phượng luôn chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển hình thức liên kết giữa nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm..., thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực cho thực hiện quy hoạch phát triển từng vùng sản xuất nông nghiệp.

Để chuyển mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, huyện Đan Phượng đã quy hoạch những vùng sản xuất cây, con tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây ăn quả. Riêng cây hoa, huyện đạt mục tiêu đến năm 2020, nâng tổng diện tích lên hơn 400ha, trong đó các xã: Hạ Mỗ 80ha, Tân Hội 70ha, Tân Lập 50ha, Đan Phượng 25ha, Song Phượng 20ha, Liên Hà 20ha, Phương Đình 20ha, Liên Trung 20ha, Thượng Mỗ 20ha, Hồng Hà 20ha, Liên Hà 20ha, thị trấn Phùng 15ha, Đồng Tháp 15ha, Thọ Xuân 5ha, Thọ An 5ha...

Ngoài những dự án đã được phê duyệt, nhiều xã đã chú trọng chuyển đổi đất lúa hoặc đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng hoa, rau, chuối, đu đủ, dong riềng, cây thuốc… Nhờ vậy, nông nghiệp Đan Phượng không chỉ vươn lên dẫn đầu trong toàn toàn thành phố mà còn tạo động lực phát triển của các ngành kinh tế, xã hội khác.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t