Hà Nội: Hướng tới mục tiêu rừng là “Vàng” (10:59 04/12/2020)


HNP - Rừng ở Hà Nội tuy diện tích không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan môi trường sinh thái, là vành đai xanh “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng nên thành phố không xảy ra tình trạng “mất” rừng. Không chỉ có vậy, Hà Nội còn đang hướng tới mục tiêu cao hơn, coi rừng thực sự là “Vàng”.

Vườn Quốc gia Ba Vì - điểm đến của nhiều du khách


Trồng rừng theo hướng bền vững
 
Là một trong những địa phương có rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội, thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã đẩy mạnh trồng rừng. Đây là hoạt động thiết thực không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà về lâu dài sẽ giúp người dân có thể phát triển kinh tế dưới tán rừng, tạo thu nhập ổn định. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết: Cùng với tuyên truyền, vận động các chủ hộ chủ động chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và thấy được hiệu quả kinh tế từ rừng đem lại, huyện cũng tích cực hỗ trợ người dân trồng rừng. Năm 2020, huyện Chương Mỹ xây dựng kế hoạch trồng 5ha rừng và chăm sóc, bảo vệ 419,96ha rừng hiện có. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 6,5ha rừng phòng hộ, đạt 130% kế hoạch đề ra. “Sau khi trồng rừng, các xã, thị trấn của huyện có rừng đã tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng có tỷ lệ sống cao, đồng thời, huyện tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2020-2021”, ông Hoàng Minh Hiến cho biết.
 
Tính đến thời điểm này, thị xã Sơn Tây cũng cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2020. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong, thị xã có hơn 820ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích đất có rừng là hơn 525ha, đất quy hoạch lâm nghiệp hơn 285ha. Diện tích rừng của thị xã tập trung ở 9 xã, phường. Hằng năm, thị xã đều giao chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng cho các địa phương thực hiện. Với nhiều giải pháp được đưa ra, những năm gần đây, nhận thức của người dân về công tác trồng rừng và bảo vệ rừng cũng đã được nâng lên. Các hộ có đất rừng đã chủ động đăng ký với chính quyền địa phương và tự bỏ vốn ra mua giống cây về trồng. Cây sau khi được trồng cũng đã được bà con quan tâm, chăm sóc đúng kỹ thuật như phát dọn sạch sẽ, bón phân cho cây phát triển tốt. Từ việc quan tâm trồng rừng của người dân nên chỉ tiêu trồng rừng của thị xã Sơn Tây hằng năm luôn được thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Từ đầu năm đến nay, thị xã có thêm 1,2ha rừng được trồng mới. “Diện tích rừng trồng những năm trước chưa đến tuổi thành thục sinh trưởng, thị xã vẫn tiếp tục chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc, bảo đảm cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Tạ Thanh Phong chia sẻ.
 
Không riêng huyện Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây, thời gian qua, các địa phương có rừng của Hà Nội cũng đã tận dụng lợi thế có diện tích đất lâm nghiệp để trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn thành phố là hơn 1.586ha (rừng sản xuất 1.271ha, rừng phòng hộ hơn 369ha) và chăm sóc rừng trung bình hơn 2.186ha rừng. “Giá trị và chất lượng của rừng được nâng cao, góp phần tăng nguồn thu từ rừng, tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho nhân dân Hà Nội sống trong rừng và gần rừng”, ông Lê Minh Tuyên nói. 
 
Ngoài ra, diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng của thành phố được giao khoán hằng năm khoảng 6.400ha hoặc gắn với phong trào Tết trồng cây, hằng năm, thành phố còn trồng được 600.000 - 878.000 cây xanh phân tán, trong đó, 300.000 - 440.000 cây bóng mát, lấy gỗ và hơn 400.000 cây ăn quả các loại.
 
Nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng nên thành phố không xảy ra tình trạng “mất” rừng. Đến nay, tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng của Hà Nội là hơn 27.162ha được phân bố tại 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sơn Tây), trong đó, rừng đặc dụng hơn 11.007ha, rừng phòng hộ hơn 5.821ha, rừng sản xuất hơn 10.332ha. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, rừng của Hà Nội phát triển theo hướng bền vững, là vành đai xanh “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô, là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú. Rừng ở Hà Nội có giá trị đặc biệt về cảnh quan gắn liền với các khu di tích lịch sử văn hoá quan trọng và được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt.
 
Gắn với mục tiêu phát triển kinh tế rừng
 
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, huyện Ba Vì, tận dụng môi trường sinh thái rừng đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái. Cùng với đó, huyện không ngừng mở rộng trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm đang phát triển rất mạnh, trong đó nổi bật là chăn nuôi gia cầm tập trung tại các xã Ba Trại, Tản Lĩnh. Không chỉ có vậy, nhiều hộ gia đình của huyện còn tận dụng đất lâm nghiệp dưới tán rừng để phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt cho thu nhập mỗi tháng 30 - 50 triệu đồng. Huyện cũng thực hiện tốt công tác trồng rừng, phát triển và bảo vệ rừng gắn với trồng cây thuốc Nam.
 
Với những lợi thế, huyện Sóc Sơn và Mỹ Đức cũng đang thúc đẩy phát triển du lịch ở các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội được giao bảo vệ hơn 5.160ha, trong đó, rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn hơn 1.744ha, rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Mỹ Đức hơn 3.416ha. Cả 2 khu rừng này đều có điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.
 
Nói về mục tiêu phát triển kinh tế rừng, ông Lê Minh Tuyên cho hay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.899 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ và lâm sản tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các làng nghề truyền thống làm đồ mộc gia dụng, đồ mỹ nghệ sử dụng nguyên liệu từ gỗ và lâm sản. Khối lượng gỗ, lâm sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố rất lớn, mỗi năm khoảng 379.150m3 gỗ các loại, hàng triệu cây tre, nứa và hàng nghìn tấn lâm đặc sản khác. Vì vậy ngành kinh doanh chế biến gỗ và lâm sản mang lại giá trị kinh tế rất lớn và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Về định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định rõ mục tiêu đó là tiếp tục bảo vệ bền vững diện tích rừng hiện có, từng bước khai thác các tiềm năng lợi thế của rừng; đầu tư bảo vệ, phát triển, cải tạo rừng, làm giàu rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo vệ và phát triển rừng đồng thời phải gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, nghỉ ngơi cuối tuần. Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 5,67% lên 6,2% và hướng tới mục tiêu cao hơn, coi rừng thực sự là “Vàng”.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t