Hà Nội triển khai thành công Đề án Chương trình Sữa học đường (14:47 23/08/2019)


HNP - Nhận thức tầm quan trọng của sữa đối với sự phát triển của trẻ em, nhất là ở lứa tuổi học đường, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Đến tháng 6/2019, đã có 11 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó, có Hà Nội triển khai thành công Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Hà Nội phát động Chương trình Sữa học đường năm học 2018-2019


87,7% tỷ lệ học sinh tham gia chương trình 
 
Chương trình Sữa học đường chính thức được triển khai đến tất cả cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Nội vào ngày 02/01/2019, trên tinh thần tự nguyện đăng ký tham gia. Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, Thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện thành công Đề án Chương trình Sữa học đường theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Cụ thể, trong năm đầu tiên triển khai, Thành phố đã chọn Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam là đơn vị cung cấp sữa học đường theo kết quả đấu thầu công khai. Theo đó, tham gia chương trình, mỗi ngày đến lớp, các em học sinh mầm non và tiểu học được uống 1 hộp sữa tươi tiệt trùng. Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 53% giá trị hộp sữa, gia đình các em đóng góp 47%. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ 100% kinh phí uống sữa đối với các em học sinh diện nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách. 
 
Tính đến hết năm học 2018-2019, toàn Thành phố đã có 1.039.458 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia, đạt tỷ lệ 87,7%. Trong đó, khối mầm non và khối tiểu học công lập có tỷ lệ trường tham gia là 100%; khối ngoài công lập (bao gồm trường mầm non, tiểu học ngoài công lập, hiệp quản, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập) có tỷ lệ cơ sở giáo dục đăng ký tham gia thấp hơn, đạt 75,1%. 
 
Đáng chú ý, có 16 quận, huyện có số trẻ tham gia trên 90% là Mỹ Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất, Sóc Sơn, Ba Vì, Hoàn Kiếm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai, Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Chương Mỹ; đơn vị có tỷ lệ tham gia cao nhất là huyện Mỹ Đức (100% cơ sở giáo dục và 99,4% học sinh tham gia); có 3.766/4.526 cơ sở giáo dục tham gia chương trình đạt tỷ lệ 83,2%.
 
Chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng
 
Trước khi thực hiện chương trình, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo và phối hợp với các phòng Giáo dục quận, huyện đã tổ chức tập huấn cho gần 10.000 đại biểu bao gồm: Ban giám hiệu, các giáo viên và đại diện hội phụ huynh học sinh từ 1.847 trường học và 2.509 nhóm trẻ tại 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm cung cấp những kiến thức chuyên môn cần thiết liên quan đến việc triển khai Chương trình Sữa học đường vào đầu năm 2019.
 
Ngoài ra, đơn vị cung cấp sữa cũng đã tiến hành khảo sát điều kiện bảo quản sữa tại các nhà trường, cung cấp đủ giá kệ và tổ chức giao nhận sữa với số lượng và tần suất phù hợp với từng cơ sở giáo dục. Cung cấp biểu mẫu, hồ sơ công bố sản phẩm, cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm đặt hàng, số điện thoại đường dây nóng 24/24 và tiến hành giao sữa đủ, đúng về chủng loại, chất lượng; cơ bản đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển; phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc kiểm soát chất lượng sữa, giải quyết kịp thời các vướng mắc, các vấn đề liên quan trước, trong và sau khi cho học sinh uống sữa.
 
Về phía các nhà trường, song song với việc tiếp nhận bảo quản tổ chức cấp phát và cho học sinh uống sữa tại trường đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm, xử lý chất thải đúng quy định, còn tổ chức đưa tin về hoạt động cho trẻ uống sữa trên Website, Cổng thông tin điện tử của nhà trường, gửi tin nhắn, phát tờ rơi. Đồng thời, các nhà trường còn kiên trì tuyên truyền vận động để phụ huynh tiếp tục đăng ký cho trẻ tham gia Đề án, đảm bảo 100% gia đình có trẻ tham gia được cung cấp thông tin về lợi ích và ý nghĩa của Chương trình Sữa học đường. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động vui chơi có nội dung tuyên truyền về sữa học đường, dinh dưỡng học đường cho học sinh. 
 
Triển khai Chương trình Sữa học đường trong năm học 2019-2020, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết: Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu chỉ tiêu, nội dung và giải pháp theo nhiệm vụ đã được phân công tại Đề án. Sở GD&ĐT cũng giao các phòng Giáo dục thường xuyên chia sẻ, quan tâm, tháo gỡ các khó khăn cho các trường; chủ động kiểm tra công tác đảm bảo ATTP, quy trình triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường đúng theo quy định của Sở Y tế…
 
Chương trình Sữa học đường không chỉ có ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội to lớn đối với sự phát triển của trẻ em Việt Nam - nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước mà còn giúp giảm bớt các gánh nặng về tài chính đối với gia đình và xã hội. Chương trình nhằm đem lại cho các em sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn dinh dưỡng tốt nhất và giúp các em được thụ hưởng đầy đủ, trọn vẹn các quyền lợi được nêu trong Công ước Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em của Việt Nam và Quốc tế.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t