Mối lo từ bãi chứa vật liệu xây dựng ven sông (13:44 19/08/2019)


HNP - Thời gian qua, các cấp, các ngành thành phố đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng hoạt động bãi chứa, trung chuyển cát, sỏi ven sông trái phép, đưa hoạt động này vào nề nếp, đúng pháp luật. Song, việc này chưa được xử lý triệt để, đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn nữa, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp trong ngăn chặn, xử lý dứt vi phạm.

Tiềm ẩn những nguy cơ

Theo Sở NN&PTNT, dọc các bãi ven sông thuộc địa bàn thành phố có 260 bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng, phân bố trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã. Theo quy định, đối với dự án mở bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông phải đảm bảo các điều kiện: Vật liệu tập kết lên bãi phải có nguồn gốc rõ ràng, khai thác ở những khu vực được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không bơm, hút trực tiếp cát từ dưới lòng sông lên bãi trung chuyển. Không sử dụng xe, phương tiện vận chuyển quá tải trọng cho phép đi trên đê; đồng thời, phải chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa hư hỏng mặt đê trong phạm vi sử dụng để vận chuyển vật liệu. Không kè bờ, tôn nền bãi sông gây cản trở đến thoát lũ; không xây dựng nhà quản lý, hay bất kỳ công trình nào khác (dù là công trình tạm) khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền; có phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu vực bãi tập kết để không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường khu vực. Bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng không được phép hoạt động trong mùa lũ (từ 15/6 đến 15/10 hằng năm); chiều cao tập kết vật liệu (chiều cao chất tải) không vượt quá 3m so với cao trình mặt bãi tự nhiên; vào mùa lũ hằng năm phải di chuyển toàn bộ vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực bãi sông để đảm bảo an toàn; thanh thải các vật cản, không làm cản trở đến thoát lũ lòng sông và ổn định của bờ, bãi sông. Quá trình tập kết, trung chuyển vật liệu phải theo dõi diễn biến dòng chảy, bờ, bãi sông, khi có sự cố sạt lở bờ bãi sông phải dừng ngay các hoạt động trên bãi, báo kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đê điều. Chỉ hoạt động khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và hoạt động theo đúng quyết định cấp phép.

Quy định là vậy, nhưng theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, trong số các bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông nêu trên, vẫn còn nhiều bến bãi hoạt động không phép, sai phép, sử dụng đất sai mục đích… Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống tập trung nhiều tại địa bàn các quận, huyện, thị xã, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận; một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ; một số chủ bến còn tập kết, trung chuyển, kinh doanh cát đen không rõ nguồn gốc; cùng với việc trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe có tải trọng lớn đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê.

Ngoài các điểm tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động ở khu vực bãi sông nêu trên, hiện nay trên tuyến đê tả Đáy đang tồn tại các điểm tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều còn có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, nhiều vị trí nêu trên hoạt động không phép, sai phép…

Kiên quyết xử lý

Để bảo đảm an toàn công trình đê điều và phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các Hạt Quản lý đê tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với chính quyền cơ sở, các đơn vị chức năng lập biên bản và kiến nghị UBND xã, phường, thị trấn xử lý, giải tỏa các bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng ngoài bãi sông không có giấy phép. Tuy nhiên, nhiều năm nay, các trường hợp hoạt động không có giấy phép vẫn tồn tại, chưa được xử lý dứt điểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trách nhiệm chính vẫn do sự buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý vi phạm của chính quyền cấp cơ sở. Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, nơi để xảy ra sai phạm vẫn chưa được thực hiện nghiêm, nên dẫn đến tình trạng chính quyền buông lỏng công tác quản lý, để mặc cho vi phạm tồn tại.

Hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực bãi sông, khu vực lòng sông, nếu không được kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm sẽ dẫn đến những tác động xấu đối với môi trường, làm biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều, ảnh hưởng đến tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung kiểm tra, rà soát xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai còn tồn tại; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai mới phát sinh trên địa bàn quản lý. Tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân có các hoạt động khai thác cát, tập kết vật liệu xây dựng tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ…

Liên quan đến nhiệm vụ trên, các sở, ngành có liên quan của thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra tất cả các bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng đang hoạt động ở các bãi sông, đình chỉ các trường hợp không có giấy phép, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các bến bãi hoạt động sai phép. UBND các quận, huyện, thị xã cần kiên quyết hơn nữa trong xử lý, giải tỏa các trường hợp không có giấy phép theo quy định của pháp luật; kiểm tra, thu hồi diện tích đất bãi sông cho thuê trái thẩm quyền, báo cáo UBND thành phố nghiên cứu giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các sở, ngành thành phố tổ chức kiểm tra các bến thuỷ nội địa hoạt động kinh doanh, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với các tổ chức, cá nhân có bến bãi không phù hợp với quy hoạch. Tổ chức lập chốt canh gác, trạm cân tải trọng xe lưu động tại những tuyến đê tập trung nhiều xe quá tải trọng vận chuyển vật liệu xây dựng lưu thông làm hư hỏng đê điều...

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, chắc chắn sẽ ngăn chặn, xử lý dứt điểm được các bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng không phép, sai phép.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t