Lan tỏa những bông hoa “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” (15:44 03/04/2019)


HNP - Hà Nội là đơn vị có quy mô giáo dục lớn nhất nước với đội ngũ nhà giáo luôn tận tâm, tận lực phấn đấu để ngành Giáo dục Thủ đô giữ vững vị trí dẫn đầu. Và trong kết quả đó không thể không nhắc tới các nữ nhà giáo - những người dù ở cương vị nào, đều là những phụ nữ “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, tạo sự lan tỏa về nghị lực và tinh thần thi đua.

Những tấm gương nhà giáo được vinh danh “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”


Theo thống kê của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, toàn ngành Giáo dục hiện có trên 44 ngàn đơn vị, cơ sở giáo dục với trên 1,5 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động. Trong đó, số lượng nữ đoàn viên và người lao động chiếm tỷ lệ 74,6%. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo chủ chốt các đơn vị, cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục trong toàn ngành chiếm trên 60%. Số lượng nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động có học hàm, học vị tăng hơn giai đoạn trước, với 0,02% nữ nhà giáo là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 1,9% có trình độ Thạc sĩ; 8,5% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên… 
 
Riêng ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, hiện, có trên 80% là nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên, các cô luôn chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn… Trong 5 năm qua, phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” tiếp tục lan tỏa, được đông đảo cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành tích cực hưởng ứng. Những kết quả phong trào tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của phụ nữ trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như trong công tác xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhiều nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên đã không ngừng học tập phấn đấu, đạt nhiều bằng khen, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp thành phố được Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo ghi nhận, khen thưởng.
 
Các cô được gia đình yêu thương quý trọng, được xã hội, địa phương ghi nhận, điển hình như các nhà giáo ưu tú: Lương Quỳnh Lan (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Sơn Tây), Đỗ Thị Lan và Hoàng Thị Lan Hương (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ), Đinh Lê Thị Thiên Nga và Nguyễn Bích Hà (Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam)… Hay các nữ nhà giáo tiến sĩ như: PGS.TS. Nguyễn Thị Yến Phương (Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Giáo dục Hà Nội), nhà giáo Nguyễn Bội Quỳnh (Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức), nhà giáo Trần Thị Hải Yến (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm)…
 
Cũng trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Cô giáo người mẹ hiền” giai đoạn 2013-2018, đội ngũ nữ nhà giáo Thủ đô đã không ngừng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học phấn đấu "Giỏi việc trường”. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập nâng cao trình độ là gần 10.000 giáo viên (trong đó, có 7.980 nữ nhà giáo). Các cô đã tích cực thi đua, đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy. Nhiều đồ dùng dạy học và sáng kiến kinh nghiệm được vận dụng trong thực tiễn và đạt hiệu quả cao. 
 
Cụ thể, trong 5 năm qua, khối trực thuộc có 1.732 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp Ngành (trong đó có 1.470 sáng kiến kinh nghiệm của các nữ nhà giáo). Nhiều cô giáo đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn về hoàn cảnh gia đình, về sức khỏe vươn lên trong cuộc sống hay những cô giáo có chồng đang công tác tại quần đảo Trường Sa vẫn phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con tốt và là hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, nhiều nữ nhà giáo Thủ đô đã nêu cao tấm lòng nhân ái, luôn hết lòng vì học sinh thân yêu, xứng đáng là “Cô giáo người mẹ hiền”.
 
Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội cho biết, đội ngũ nữ nhà giáo không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người truyền dạy kiến thức ở trường, mà còn là người mẹ hiền nhân hậu trong lòng học trò. 5 năm gần đây, có hơn 8.000 nữ nhà giáo nhận giúp đỡ cho gần 40.000 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 6 tỷ đồng, giúp các em yên tâm học tập, giảm tỷ lệ bỏ học ở nhiều trường. Điển hình là cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A, huyện Hoài Đức) đỡ đầu 3 học sinh khó khăn bằng cách đóng góp mọi khoản chi phí học tập, mua sách, vở, bảo hiểm,... hay cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình (Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, quận Ba Đình) dạy miễn phí cho 7 học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 1 em bị liệt.
 
Các nhà giáo Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, dù đảm đương nhiệm vụ gì, ở gia đình hay tại trường học, các cô đều là hạt nhân, là điểm sáng, tạo động lực cho toàn đội ngũ nhà giáo và cộng đồng về ý chí, nghị lực vượt khó và tinh thần nhân văn cao cả. Điều ấy khẳng định rõ vị thế và sức lan tỏa nét đẹp của đội ngũ nữ nhà giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t