Hội thảo "Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước" (13:28 01/10/2020)


HNP - Nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 1/10, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo "Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước". Dự hội thảo có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố và các nhà khoa học, đại diện các sở ngành.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội thảo


Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn
 
Hội thảo nhằm khẳng định các nguồn tư liệu thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền định đô và xưng vương ở Cổ Loa nói riêng; làm rõ vai trò, vị trí của người Anh hùng Ngô Quyền trong công cuộc giải phóng dân tộc, quốc thống cho dân tộc Việt; đưa ra những cơ sở khoa học phục vụ Dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và nghiên cứu xây dựng kịch bản lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa mang tính chất Quốc lễ thường niên.
 
Tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã ôn lại giai đoạn lịch sử, công lao, chiến công hiển hách của Ngô Quyền góp phần lập nên nhà nước tự chủ và độc lập, sau hơn nghìn năm Bắc thuộc… Đồng chí nhấn mạnh: "Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ "đồng hóa" của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở để mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944".
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại hội thảo
 
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định công lao to lớn của Ngô Quyền đối với đất nước, sử sách nước ta trong nhiều thập kỷ vừa qua đã xác định rõ, song giới sử học và các cơ quan liên quan vẫn đặt ra nhiệm vụ tiếp tục sưu tầm thêm tài liệu và nghiên cứu sâu sắc hơn về Ngô Quyền. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, một số cuộc hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền đã được tổ chức; nhiều công trình nghiên cứu về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng được công bố trên các sách và tạp chí chuyên ngành. Những nguồn tư liệu, tài liệu này được tổng hợp tương đối đầy đủ thông qua các kết quả nghiên cứu về Ngô Quyền trong những năm gần đây do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện.
 
Đồng chí Ngô Văn Quý khẳng định, Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước" một lần nữa khẳng định rõ các nguồn tư liệu, thư tịch liên quan đến Ngô Quyền nói chung và giai đoạn Ngô Quyền định đô và xưng Vương ở Cổ Loa nói riêng; khẳng định những đóng góp to lớn của Ngô Quyền trong việc xây dựng triều Ngô trong tiến trình lịch sử dân tộc.
 
Khẳng định trận chiến lẫy lừng trên dòng sông Bạch Đằng
 
Quang cảnh Hội thảo
 
Hội thảo đã nhận được hơn 20 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chủ yếu thể hiện một số nội dung cơ bản về hoàn cảnh lịch sử đầu thế kỷ X, quê hương, gia đình và thân thế Ngô Quyền. Đa số các nhà khoa học đều nhất trí Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là quê hương của Ngô Quyền. Về chiến thắng Bạch Đằng năm 938, các bài tham luận đánh giá đây là trận chiến lẫy lừng và khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng này, đã kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam.
 
Riêng về triều Ngô và kinh đô Cổ Loa, các tác giả đề cập đến sự kiện Ngô Quyền xưng vương, đặt trăm quan, định ra triều nghi phẩm phục, đóng đô ở Cổ Loa với ý nghĩa phục hồi lại quốc thống. Ông là người tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X, người có những đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc. Về sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền, các bài viết khẳng định sự nghiệp dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa vào mùa Xuân năm 939 của Ngô Quyền là tiếp nối truyền thống Hùng Vương - An Dương Vương. Cổ Loa là mảnh đất đã hai lần được chọn làm kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương và kinh đô của Vương triều Ngô. Bảo tồn, phát huy giá trị các nguồn tư liệu và di sản về Ngô Quyền nhằm vinh danh công lao to lớn của Đức vua Ngô Quyền với đất nước là rất cần thiết.
 
Theo PGS.TS Vũ Văn Quân: Có một điều phải khẳng định, nếu không có công cuộc tự chủ của họ Khúc, họ Dương thì sẽ không có chiến thắng Bạch Đằng lịch sử của Ngô Quyền và nếu không có chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền cùng những thành tựu bước đầu trong công cuộc xây dựng đất nước dưới thời Ngô thì sẽ không có quốc gia Đại Cồ Việt với Đinh Tiên Hoàng Đế cùng niên hiệu riêng, đồng tiền riêng... Các sử gia xưa cũng nhận thấy hạn chế của Ngô Quyền - nhà Ngô nhưng vẫn khẳng định tính nền tảng của vương triều này trong công cuộc xây dựng đất nước. Tuy chỉ xưng vương mà chưa xưng đế, chưa đặt niên hiệu nhưng chính thống đã được nối lại; việc đặt trăm quan, định triều nghi cho thấy rõ quy mô của bậc đế vương.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t