Ứng Hòa: Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo (11:31 03/10/2019)


HNP - Trong nhiều năm qua, huyện Ứng Hòa đã quan tâm, chú trọng công tác giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo viên và học sinh tăng qua từng năm. Tuy nhiên, những tồn tại hạn chế cũng đặt ra cho huyện cần phải có những giải pháp thiết thực để cải thiện hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo.

Tính đến hết tháng 8/2019, toàn huyện có trên 3.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT, với 1.292 phòng học, trong đó, có 1.182 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ 91,4%; 110 phòng học bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 8,6%. Trong năm học 2018-2019, toàn ngành xây mới được 45 phòng học, 64 phòng bộ môn, chức năng, hiệu bộ; cải tạo được 65 phòng học, 30 phòng bộ môn, chức năng, hiệu bộ. Toàn bộ khuôn viên của các nhà trường, các khối công trình phục vụ học tập, làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đảm bảo luôn sạch sẽ, thông thoáng. Trong khuôn viên có hệ thống cây xanh, cây bóng mát, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh hài hòa và phù hợp với quy hoạch của nhà trường. Trong các phòng học, phòng chức năng, các thiết bị được lắp đặt, bố trí khoa học, gọn sàng, thẩm mỹ. Toàn huyện có 60/90 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 66,6%.

Về chất lượng giáo dục, khối mầm non đã chỉ đạo các trường xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua các hoạt động trải nghiệm. Tăng cường nề nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; nâng cao đạo đức nhà giáo trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Kết quả năm học vừa qua, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng 2,2%; tỷ lệ thấp còi nhà trẻ 4,2%, mẫu giáo 2,9%; tỷ lệ trẻ đạt mục tiêu độ tuổi nhà trẻ 82%, mẫu giáo 89%. Tỷ lệ trẻ tham gia uống sữa học đường đạt 99,1%.

Hiện toàn huyện có 8.573/8.573 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học Tiếng Anh theo chương trình của Bộ (đạt 100%); các trường đã triển khai và thực hiện tốt chỉ đạo của Sở trong việc dạy tiếng Anh liên kết, làm quen tiếng Anh đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Chất lượng đại trà, giáo dục toàn diện tiếp tục được duy trì và phát triển. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học 2.813/2.813, đạt 100%.

Đối với giáo dục THCS, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được duy trì và ổn định. Các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; chú ý việc tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh. Khuyến khích giáo viên và học sinh sử dụng hợp lý, khai thác tối đa tác dụng của các thiết bị đồ dùng dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn, thư viện,…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của huyện Ứng Hòa. Đó là chất lượng và trình độ đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu chưa đồng bộ nên vẫn còn hiện tượng giáo viên phải dạy chéo môn nhiều. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu của ngành GD&ĐT; ở cấp học Mầm non vẫn còn thiếu phòng học, phòng học tạm; cấp Tiểu học, THCS một số trường còn thiếu phòng thư viện, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành. Ngoài ra, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh ở một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt yêu cầu. Việc chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua ở một số đơn vị chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế, huyện Ứng Hòa sẽ tăng cường rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa chống xuống cấp; cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học và công tác xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chuấn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, tích cực. Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tăng cường giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo.

Tăng cường nề nếp quản lý, chỉ đạo, điều hành; ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý, chuẩn hóa, số hóa, đồng bộ dữ liệu; cập nhật, khai thác hiệu quả thư viện bài giảng, đề kiểm tra trắc nghiệm, minh họa trực tuyến. Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn góp phần tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t