Tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện Phúc Thọ: Đặt lợi ích người dân vào vị trí trung tâm (09:26 26/09/2017)


HNP - Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Phúc Thọ. Bằng việc lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, địa phương này đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao.

Hiệu quả rõ nét

Là xã thuần nông nên thu nhập của người dân xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ đã và đang được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân nơi đây quan tâm, chú trọng. Những năm gần đây, ngoài gieo cấy 2 vụ lúa, trên địa bàn xã này xuất hiện nhiều mô hình như trồng cây bưởi Diễn, đu đủ Đài Loan, táo giống mới, hoa huệ, rau an toàn, bước đầu cho thu nhập từ 600-800 triệu đồng/hécta/năm, cao gấp 8-10 lần so với trồng lúa.

Nhiều năm theo dõi lĩnh vực quản lý nhà nước về nông nghiệp, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết: thành công trong phát triển nông nghiệp của xã Thanh Đa cho thấy, chủ trương đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững bằng việc tổ chức lại sản xuất có giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống cây trồng mới năng suất, hiệu quả... đã khẳng định những ưu thế vượt trội. Trước đây, Thanh Đa chỉ độc canh trồng lúa và trồng một số hoa màu thì bây giờ, nhiều hộ dân đã đầu tư cải tạo đất đai, vườn tạp trồng rau, hoa, cây ăn quả cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/hécta mỗi năm.

Không chỉ ở Thanh Đa, bằng sự năng động, mạnh dạn đầu tư, tại các xã Vân Nam, Hát Môn, Hiệp Thuận, Tam Thuấn... diện tích chuyển đổi sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao tăng lên rất mạnh. Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Tam Thuấn là một ví dụ. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thí điểm triển khai mô hình trồng hoa ly ở địa phương này, ban đầu chỉ có 5 hộ tham gia. Nhận thấy không chỉ giúp người dân khai thác tối đa tiềm năng đất bãi mà còn là cây trồng định hướng phát triển lâu dài, bền vững tại địa phương nên diện tích trồng hoa ở địa phương này ngày càng người dân được mở rộng. Toàn xã hiện có 1ha trồng hoa ly chất lượng cao, 10,2ha hoa huệ, 2ha hoa hồng, 5ha hoa cúc, 2ha hoa loa kèn.

Ông Phùng Anh Tuấn cho biết thêm, nghề trồng hoa tuy vất vả nhưng bù lại cho thu nhập cao, trung bình mỗi sào trồng trên 7.000 gốc hoa ly, sau 4 tháng, hoa ly cho thu hoạch, với giá bán từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/cành, cho thu nhập khoảng 210 triệu đồng. Với hoa hồng, hoa cúc thu nhập thấp hơn những cũng đạt từ 20 đến 40 triệu đồng/sào/vụ...

Còn tại xã Hiệp Thuận, với 50ha trồng cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở dải đất bãi ven sông, trong đó, 45ha sử dụng để trồng bưởi. Ông Hoàng Văn Sơn, xã Hiệp Thuận cho hay, khi cây bưởi chưa bén rễ đồng đất Hiệp Thuận, người dân vẫn thường gieo trồng ngô, lạc, đậu tương, dong riềng trên vùng đất bãi. Chi phí vật tư cao, công lao động mất nhiều, năng suất lại không ổn định, vì thế nhiều nông dân chán ruộng, một số diện tích bỏ hoang, cây dại mọc um tùm. Sau khi cây bưởi đường bén duyên trên vùng đất bãi cho hiệu quả cao, người dân đã học hỏi nhau chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng bưởi. Theo tính toán, một hécta trồng bưởi cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, người dân thu lãi khoảng 350-400 triệu đồng.

Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững

Khảo sát tại một số địa phương ở huyện Phúc Thọ, nhiều người dân hồ hởi bởi hiệu quả kinh tế cao từ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đáng chú ý, huyện Phúc Thọ đã hình thành nhiều mô hình như cánh đồng mẫu lớn các xã Phụng Thượng, Hát Môn, Võng Xuyên với diện tích trên 300ha; mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn ở các xã Thanh Đa với diện tích 50ha, Võng Xuyên 70ha, Vân Phúc 50ha, Thọ Lộc 50ha, Hát Môn 50ha và hàng trăm vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả, sản xuất lúa hàng hoá, nuôi trồng thuỷ sản, trang trại chăn nuôi từ diện tích cây trồng kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ chia sẻ, trong định hướng phát triển kinh tế, huyện luôn chú trọng đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó, đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm để thực hiện. Huyện đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng bộ giống cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng...

Ngoài ra, hướng dẫn nông dân lựa chọn ngành hàng chủ lực có lợi thế, khả năng phát triển lớn, chuyên canh và đa canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, dịch vụ. Qua đó, hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Huyện Phúc Thọ cũng tạo mọi điều kiện khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, bảo đảm cho người dân có thu nhập, đời sống ổn định.

Bằng sự quyết tâm cũng như nhận thức, tin chắc Phúc Thọ sẽ thu được nhiều kết quả trên mặt trận phát triển nông nghiệp, nông thôn trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t