Đa dạng các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm (21:26 27/02/2017)


HNP - Qua 3 năm thực hiện, Đề án “tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chấp hành pháp luật.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai Đề án, quận Hai Bà Trưng đã tập trung vào công tác tuyên truyền. Quận đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật theo lĩnh vực của đề án tại các địa bàn trọng điểm, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như Luật Đất đai, Luật phòng chống ma túy, Luật hòa giải ở cơ sở…Tại các phường trọng điểm, đã chú trọng tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử quận và trên hệ thống phát thanh ngày 2 buổi với thời lượng 15 phút/buổi; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tổ dân phố về cách thức, hoạt động của bọn tội phạm cũng như cách xử lý để người dân nhận thức và nâng cao tính cảnh giác, tự phòng ngừa và bảo vệ bản thân.

Đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên tại địa bàn trọng điểm, quận đã tổ chức tọa đàm, giao lưu trong nhà trường, các chương trình văn hóa nghệ thuật có lồng ghép thi tìm hiểu kiến thức pháp luật. Đồng thời, phát 11.800 quyển sổ tay “Món quà tri thức cho cuộc sống tươi đẹp” phát cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức trên 500 hội nghị, tọa đàm tuyên truyền phổ biến pháp luật tới hàng nghìn lượt người tham dự. Tuyên truyền Hiến pháp năm 2013 cho hơn 1.000 đại biểu là cán bộ, công chức của quận, phường, tổ trưởng tổ hòa giải cơ sở và thành viên CLB phụ nữ với pháp luật của 20 phường; Tuyên truyền cho hơn 16.320 lượt cán bộ, hội viên hội phụ nữ về các quy định mới của pháp luật…

Bên cạnh đó, tổ chức được 565 cán bộ hội LHPN tham gia 220 “Nhóm nòng cốt” của các phường đã hoạt động rất hiệu quả, phối hợp tốt với các đơn vị như công an, tổ dân phố tuyên truyền phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ…Quận còn triển khai mô hình “Túi sách pháp luật” của Hội LHPN tại 20 phường; tổ chức 32 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng tham gia phòng chống bạo lực gia đình, các hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật với 35.847 người tham dự. Ngoài ra, UBND các phường trên địa bàn quận đã chủ động chỉ đạo công an phường tổ chức tọa đàm về tuyên truyền pháp luật và xây dựng địa bàn dân cư không có tội phạm, Hội nghị tọa đàm “Khu dân cư Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội”…

Cùng với công tác tuyên truyền, quận Hai Bà Trưng đã chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở. Trên địa bàn quận hiện có 125 tổ hòa giải cơ sở với 1.172 hòa giải viên. Vai trò của hoạt động hòa giải ở cơ sở có vai trò rất lớn trong giải quyết tranh chấp tự nguyện và tự quản của người dân. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn quận luôn đạt mức từ 80-90%, rất nhiều vụ việc mâu thuẫn đã được hòa giải thành ngay tại khu dân cư không phải đưa lên phường hoặc các cấp cao hơn.

Đáng chú ý, quận Hai Bà Trưng đã lựa chọn một số phường làm địa bàn trọng điểm xây dựng mô hình, quán triệt sâu sắc đến từng chiến sĩ việc thực hiện Đề án “tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016”. Thực tiễn triển khai cho thấy một số mô hình có hiệu quả như: Mô hình “tăng cường sự phối hợp giữa Công an phường với chính quyền địa phương trong công tác quản lý học sinh, sinh viên và người ngoại tỉnh không để xảy ra phức tạp về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phường” tại phường Bạch Đằng; Mô hình “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện ma túy trên địa bàn phường Bạch Mai”; Mô hình “Toàn dân tham gia xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, lấy địa bàn dân cư là địa bàn chính quản lý đối tượng sau cai” tại phường Thanh Lương…

Cùng với đó, quận thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa bàn trọng điểm. Từ năm 2013 đến nay, quận đã triển khai 176 lớp tập huấn cho 9.190 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các phòng chuyên môn và các phường trên địa bàn quận. Ngoài ra, tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với việc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thực hiện công tác chuyên môn và các nhiệm vụ của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Để tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật, quận đã huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đóng trên địa bàn trọng điểm tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật ở địa bàn trọng điểm. Ban thường trực MTTQ quận đã phối hợp cùng chính quyền, các tổ chức thành viên của MTTQ thường xuyên tổ chức những đợt tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng, đặc biệt chú trọng đối với các địa bàn đặc thù. Hàng trăm cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hàng ngàn đối tượng là người nghèo, người có công, người già neo đơn, người khuyết tật, thanh thiếu niên, gia đình người nghiện ma túy và sau cai nghiện. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn trọng điểm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Có thể khẳng định, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các địa bàn trọng điểm đã có tác động tích cực đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Nhận thức sự hiểu biết pháp luật của các tầng lớp nhân dân nói chung và nhân dân tại các địa bàn trọng điểm nói riêng được nâng cao, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Hoàng Mai


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t