Thành phố Hà Nội chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp an toàn, chất lượng, đúng luật


Bài 1: Thực hiện tốt quy trình lựa chọn ứng cử viên (11:16 18/05/2021)


HNP - Thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, các văn bản của Trung ương, Thành ủy về thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đến nay, các nội dung, công việc liên quan đến công tác bầu cử tại thành phố Hà Nội đã được triển khai nghiêm túc, kịp thời, đúng quy trình, tiến độ theo quy định của pháp luật. Cổng thông tin điện tử thành phố xin giới thiệu đến bạn đọc loạt 3 bài về công tác triển khai các bước chuẩn bị, sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành, tạo những điểm nổi bật, nét mới trong tổ chức chuẩn bị cuộc bầu cử ngày 23/5 tới.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Yên Bài


Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ thị nhấn mạnh việc giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng là đại diện của nhân dân; không giới thiệu người chạy chức, chạy quyền ứng cử… Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đến thời điểm giữa tháng 5/2021, việc lựa chọn các ứng cử viên trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện dân chủ, công bằng, khách quan, có sự giám sát chặt chẽ; qua đó đã lựa chọn các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thành phố.
 
Chặt chẽ từ thành phố đến cơ sở
 
Để bầu được những đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, trước hết, cơ quan giới thiệu đại biểu phải làm tốt công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự ngay từ cơ sở. Vì thế, Hà Nội là địa bàn sớm dự kiến được cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của các tổ chức, đơn vị, cơ quan… được giới thiệu ứng cử để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật bầu cử; đồng thời, tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương lựa chọn ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử.
 
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đàm Văn Huân, ngày 5/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị… được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, thành phố Hà Nội được bầu 29 đại biểu Quốc hội, số lượng người dự kiến giới thiệu ứng cử 59 người; được bầu 95 đại biểu HĐND thành phố, số lượng người dự kiến giới thiệu ứng cử 190 người. Tiếp đó, ngày 6/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn cũng tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị… được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, đại biểu HĐND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, tổng số đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã được bầu là 1.054 đại biểu, số lượng người dự kiến giới thiệu ứng cử 2.091 người; tổng số đại biểu HĐND xã, thị trấn được bầu là 10.808 đại biểu, số lượng người dự kiến giới thiệu ứng cử 21.342 người. 
 
Việc tiếp nhận, chuyển hồ sơ người ứng cử trên địa bàn thành phố được thực hiện đúng quy định, từ ngày 22/2 đến ngày 16/3, để chuẩn bị cho công tác hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ trong 2 ngày 17 và 18/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ hai, lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 72 người; danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND thành phố là 188 người. Đến 19/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã là 2.060 người; danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND xã, thị trấn là 21.399 người. Sau khi thực hiện xong quy trình lấy ý kiến nhận xét nơi cư trú, nơi công tác, tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã lựa chọn 37 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, 160 ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố, 1.748 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện và 18.136 ứng cử viên HĐND cấp xã.
 
Ông Lý Bá Kịnh, Trưởng ban công tác mặt trận Tổ dân phố 1 (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) chia sẻ: "Tổ dân phố chúng tôi vinh dự có 7 ứng cử viên được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu quy trình các bước hiệp thương ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Với yêu cầu phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật, dù đông ứng cử viên, nhưng không bỏ sót một quy trình nào đối với hội nghị lấy ý kiến; từ điểm danh số lượng cử tri đến thông qua tiêu chuẩn của đại biểu, tiểu sử tóm tắt từng người ứng cử, cử tri phát biểu đối với từng ứng cử viên, đại diện người ứng cử phát biểu, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử phát biểu...rồi mới đến biểu quyết tín nhiệm ứng cử viên.
 
Ủy viên Thường trực Ủy ban bầu cử thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà khẳng định: Ủy ban Bầu cử thành phố cũng chỉ đạo kịp thời các cơ quan: Công an thành phố, Thanh tra thành phố, Bảo hiểm xã hội thành phố, Cục thuế thành phố rà soát thông tin liên quan đến sự chấp hành các quy định của pháp luật đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố để cung cấp cho Ủy ban MTTQ thành phố phục vụ công tác tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú đối với tất cả các ứng cử viên; cung cấp hồ sơ để Ban Tổ chức Thành uỷ thực hiện việc xác định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố.

Đổi mới so với trước
 
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho biết: Cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội có một số điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Đó là thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu HĐND thành phố giảm giảm từ 105 xuống còn 95 đại biểu; Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó, không tổ chức HĐND cấp phường; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quy định rõ số lượng đại biểu chuyên trách HĐND thành phố gồm 19 đại biểu. Đặc biệt, trong quy trình thực hiện hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đã có quy định, hướng dẫn rõ hơn, trong đó, người ứng cử phải có hơn 50% cử tri nơi cư trú và nơi công tác tín nhiệm.
 
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Nguyễn Lan Hương, thực hiện những điểm mới trên, trong quá trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác của các ứng cử viên được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố thực hiện dân chủ, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Chất lượng của các ứng cử viên nhiệm kỳ 2021-2026 cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, 100% ứng cử viên đại biểu Quốc hội có trình độ Đại học trở lên; 98,13% ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố Hà Nội có trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên; tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ, tỷ lệ ngoài đảng ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố đạt cao. Đặc biệt, theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hà Nội không có cơ cấu dân tộc ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng thực tế, Hà Nội vẫn có một phần nhỏ dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, nên để bảo đảm có tiếng nói đại diện của đồng bào dân tộc với Quốc hội, TP Hà Nội đã hiệp thương giới thiệu 01 đại biểu đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Thủ đô với Quốc hội.
 
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố đơn vị bầu cử quận Bắc Từ Liêm nhận xét, việc lựa chọn các ứng cử viên được thực hiện kỹ, đúng Luật. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã lựa chọn được người ứng cử có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, sức khỏe, uy tín đảm nhiệm vai trò của người đại biểu dân cử; kiên quyết không đưa vào danh sách ứng cử những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm...
 
Cử tri Phạm Minh Tuấn (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) nhận xét, cách vận động bầu cử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố thể hiện trách nhiệm cao, dựa vào nhiệm vụ đang công tác và trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của bản thân để bày tỏ khả năng, lời hứa phù hợp, thực tế trước cử tri.

Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t