Xây dựng Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026-2030 (15:45 25/06/2024)


HNP - Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh vừa có Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 24/6/2024 về việc xây dựng Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026-2030 thành phố Hà Nội.


Chỉ thị yêu cầu: Đảm bảo thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Thủ đô, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP, Nghị định số 31/2017/NĐ-CP, các cơ chế đặc thù đối với thành phố Hà Nội theo quy định và các văn bản pháp luật có liên quan. 
 
Bám sát với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và Thành phố, chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tài liệu dự kiến trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII và Đại hội Đảng các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2026 - 2030. 
 
Phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội thế giới, trong nước và thực tế triển khai giai đoạn 2021 - 2025 và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước, huy động và trả nợ, các yêu cầu giới hạn an toàn tài chính của địa phương trong giai đoạn 2026 - 2030; chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Thành phố về phân cấp ngân sách và quy định về định mức phân bổ chi đầu tư, thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nguyên tắc quản lý an toàn nợ chính quyền địa phương; phát huy tính tự lực, tự cường của các cấp chính quyền Thành phố.
 
Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách như hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Thành phố trong giai đoạn 2026 - 2030, tập trung cho tăng trưởng, đầu tư phát triển, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái của Thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố và các cấp chính quyền Thành phố.
 
Công khai, minh bạch, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý, đặc biệt coi trọng và phát huy vị trí, vai trò của người đứng đầu.
 
Nội dung chủ yếu
 
1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025: Việc đánh giá tình hình thực hiện 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 phải làm rõ những kết quả đạt được gắn với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố (2020 -2025), chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và Thành phố; Nghị quyết số 07 NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết của HĐND Thành phố về các kế hoạch 05 năm địa phương; các chiến lược phát triển trong lĩnh vực tài chính, nợ công, thuế, hải quan,… đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm rút ra trong bối cảnh thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. 
 
Trong tổ chức thực hiện đánh giá kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 thành phố Hà Nội, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương tập trung phân tích, đánh giá các nội dung chủ yếu: (1) Bối cảnh triển khai các nhiệm vụ, những yếu tố thuận lợi, thách thức trong tổ chức thực hiện, trong đó lưu ý các vấn đề về chính trị, kinh tế - xã hội trọng tâm, các yếu tố khách quan có tác động đến lĩnh vực tài chính - ngân sách; (2) Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước; việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 05 năm 2021 - 2025. (3) Trên cơ sở tình hình thực hiện các năm giai đoạn 2021 - 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. (4) Việc thực hiện cơ chế tài chính đặc thù và các quy hoạch của địa phương gắn với kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương. (5) Đánh giá thực hiện cần tập trung lưu ý làm rõ về các chỉ tiêu đạt được, chưa đạt được; kết quả thực hiện các mục tiêu, nguồn lực tài chính gắn với các kết quả, hiệu quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình/đề án/nhiệm vụ cụ thể tại địa phương, trong đó lưu ý một số các yếu tố khách quan bên ngoài, như: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xung đột quân sự ở một số khu vực,... tác động đến tăng trưởng kinh tế, thị trường, giá cả, lạm phát và các giải pháp ứng phó trong điều hành nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở đó, phân tích những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm. 
 
2. Xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030: (1) Dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của Thành phố (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP), chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng của các lĩnh vực sản xuất, ngành hàng và giá các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt) có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 05 năm giai đoạn 2026 - 2030. (2) Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm của Thành phố; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của Thành phố trong thời gian 05 năm kế hoạch. (3) Xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu; khung cân đối về tài chính - ngân sách của Thành phố trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành (4) Các chỉ tiêu về quản lý nợ của Thành phố. (5) Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách địa phương và các chỉ tiêu quản lý về nợ của chính quyền địa phương của Thành phố. (6) Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm Thành phố.
 
UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030, gửi xin ý kiến và hoàn chỉnh theo ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định đảm bảo về yêu cầu, nội dung và thời gian theo quy định.

Trần Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t