Giúp người lao động cần biết về chế độ bảo hiểm xã hội và chính sách liên quan (15:38 04/06/2024)


HNP - Sáng 4/6, tại Hội trường UBND xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đông Anh tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề “Những điều cần biết về chế độ bảo hiểm xã hội và chính sách liên quan đến người lao động”.

Ban Tổ chức tặng hoa các chuyên gia


Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động, bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách, sức khoẻ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gồm: Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Định - Giám đốc cơ sở II, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội. 
 
Đặc biệt, tham dự chương trình còn có gần 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đông Anh.
 
Người lao động được nghỉ phép bao nhiêu ngày/năm?
 
Anh Nguyễn Mạnh Hà, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh đặt câu hỏi: Người lao động được nghỉ phép bao nhiêu ngày/năm? Nếu doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ phép thì người lao động cần làm gì? Người lao động làm việc tại công ty và đóng BHXH được 18 năm và muốn nghỉ việc do lý do sức khỏe thì có được không? Và cần phải thực hiện thủ tục như thế nào?
 
Trả lời nội dung này, chuyên gia Nguyễn Huy Khoa cho biết: Người lao động được nghỉ phép hằng năm đầy đủ theo quy định nếu làm đủ 12 tháng liên tục trở lên. Điều kiện làm việc bình thường, một năm số ngày nghỉ phép sẽ được nghỉ 12 ngày; công việc nặng nhọc độc hại, người lao động được nghỉ phép 14 ngày trong 1 năm; điều kiện làm việc đặc biệt nặng nhọc độc hại là 16 ngày trên 1 năm. Ngoài ra nếu người lao động có thâm niên làm việc từ 5 năm trở lên thì họ được nghỉ chế độ tăng lũy tiến, cứ 5 năm thì cộng thêm 1 ngày nghỉ phép.
 
Các chuyên gia tại buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024
 
Nếu trong trường hợp người lao động nghỉ phép có thời gian đi đường cả đi và về, áp dụng với đối tượng lao động làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... thời gian đi đường trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính vào ngày nghỉ phép.Thường đầu năm người sử dụng lao động sẽ lấy ý kiến của người lao động để thống nhất thời gian nghỉ phép.
 
Trách nhiệm bố trí nghỉ phép thuộc người sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải bố trí thời gian nghỉ phép cho người lao động. Nếu không bố trí thời gian nghỉ phép là người sử dụng lao động vi phạm pháp luật. Người lao động sẽ được trao đổi thỏa thuận để giải quyết phép gộp cho người lao động, thời gian nghỉ gộp phép tối đa 3 năm hoặc đơn vị sử dụng lao động thanh toán quyền lợi cho người lao động những ngày người lao động chưa được nghỉ phép.
 
Bổ sung nội dung này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết: Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của nam là 61, nữ 56 tuổi, 4 tháng. Nếu người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi, trong điều kiện lao động bình thường thì sẽ được về trước tuổi 5 năm. Về thủ tục, người lao động làm đơn cho đơn vị; hướng dẫn giám định y khoa, tỷ lệ suy giảm thời gian lao động từ 61% sẽ được nghỉ trước tuổi có kết quả ban hành quyết định nghỉ hưu, thì cơ quan bảo hiểm cũng ban hành quyết định nghỉ hưu cho người lao động.
 
Cán bộ, công nhân, viên chức lao động tham gia Đối thoại
 
Người lao động làm việc trong môi trường độc hại được hưởng chế độ gì?
 
Liên quan đến nội dung này, anh Nguyễn Chí Thanh, Công ty Cổ phần Nam Thiên đặt câu hỏi: Người lao động làm việc trong môi trường độc hại được hưởng chế độ gì? Người lao động khi đã hết hạn HĐLĐ cũ mà chưa ký kết HĐLĐ mới, vẫn tiếp tục làm việc cho người thuê lao động thì quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định theo hợp đồng cũ hay mới? Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng không bị thất nghiệp thì có được hưởng chế độ gì không?
 
Anh Nguyễn Chí Thanh, Công ty cổ phần Nam Thiên nêu câu hỏi tại buổi Đối thoại
 
Trả lời nội dung này, chuyên gia Nguyễn Huy Khoa cho biết: Nếu người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại thì ngoài chế độ như những lao động thông thường, họ còn được hưởng phụ cấp với công việc nặng nhọc, độc hại và áp dụng điều kiện lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại để hạn chế tác động của môi trường đó đến sức khỏe của người lao động.
 
Nếu Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc, Bộ luật Lao động quy định rõ: Nếu HĐLĐ lần một hết hạn, có 2 nguyên tắc để chuyển hóa sang HĐLĐ lần hai. Thứ nhất là pháp luật giới hạn cho các bên có thể thỏa thuận xác lập HĐLĐ mới, thời gian xác lập này trong 30 ngày, từ khi HĐLĐ lần đầu hết hạn. Nếu hết HĐLĐ lần hai, sang lần thứ ba thì HĐLĐ lần thứ ba sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
 
Thứ hai là khi HĐLĐ hết hạn, người lao động vẫn tiếp tục làm việc và đã quá 30 ngày thì HĐLĐ lần hai được ấn định là HĐLĐ không xác định thời hạn.
 
Ngoài ra, thực tế còn có trường hợp khi HĐLĐ lần một hết hạn, người lao động vẫn ở lại làm việc nhưng chưa làm hết 30 ngày, mà hai bên không thỏa thuận được nội dung HĐLĐ hoặc hai bên không có nhu cầu xác lập HĐLĐ nữa thì quyền lợi sẽ giải quyết theo thỏa thuận của hai bên hoặc giải quyết theo tranh chấp lao động.
 
Bổ sung nội dung này, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết, Luật BHXH năm 2014 quy định người đã chuyển vị trí việc làm, đã nghỉ hưu mà phát hiện bệnh nghề nghiệp do ảnh hưởng của môi trường lao động nặng nhọc, độc hại thì người lao động vẫn có thể được hưởng bệnh nghề nghiệp.
 
Về bảo hiểm thất nghiệp, nếu quá trình đóng mà không bị thất nghiệp thì người lao động không được hưởng chế độ gì. Năm 2021, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi hỗ trợ cho người lao động trong thời gian bị Covid-19.
 
Hiện nay, quá trình sửa Luật BHXH đang đưa ra đề xuất trả lại cho người lao động khoản tiền người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, còn khoản người sử dụng lao động đóng thì sẽ giữ lại Quỹ.
 
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu tại buổi Đối thoại
 
Theo ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô, Thủ đô và đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, sự vận động của xã hội khiến các cơ quan chức năng thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích cho người lao động. Trong khi đó, với nhiều lao động, nhất là lao động trực tiếp, thời gian để tìm hiểu, cập nhật, bổ sung các kiến thức pháp luật, chế độ chính sách còn hạn chế, dẫn đến nhiều trường hợp chưa được đảm bảo tốt nhất quyền lợi trong quan hệ lao động.
 
“Do đó, thông qua hoạt động này, Ban Tổ chức mong muốn góp phần cùng tổ chức Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, từ đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ", ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t