Nâng tầm giá trị cây ăn quả: Còn nhiều việc cần làm (13:13 08/04/2021)


HNP - Thời gian qua, không ít nông dân các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cải tạo vườn tạp, mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thậm chí, có hộ gia đình thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển trồng cây ăn quả của thành phố vẫn gặp một số khó khăn. Để nâng tầm giá trị cây ăn quả, còn nhiều việc cần làm.

Vườn Bưởi Tôm vàng định hướng hữu cơ (Organic) của Hội nông dân xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng


Nâng giá trị cây ăn quả…
 
Tận dụng tiềm năng, lợi thế, nhạy bén nắm bắt thị trường và được sự hỗ trợ của thành phố, nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã tập trung phát triển trồng cây ăn quả, nhất là các loại cây đặc sản. Mô hình trồng cây bưởi đỏ ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) là ví dụ. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, địa phương này đã mở rộng diện tích trồng giống bưởi quý hiếm này. Đến nay, toàn xã có khoảng 20ha trồng bưởi đỏ. Theo tính toán, mỗi héc ta trồng hơn 400 cây bưởi đỏ cho thu hoạch 10-15 tấn với giá bán buôn 50-60 nghìn đồng/quả, còn bán lẻ 80-100 nghìn đồng/quả. Ngoài ra, người trồng bưởi xã Tráng Việt còn có thêm nguồn thu nhập từ việc nhân giống để bán cho người dân các địa phương lân cận. Trong định hướng phát triển, xã sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi đỏ lên quy mô từ 50ha trở lên...
 
Nhận thấy hiệu quả, trong 2 năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã tích cực đưa giống bưởi đỏ Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) vào trồng tại một số địa phương để cải tạo vườn bưởi già cỗi trên địa bàn thành phố. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các hợp tác xã, đơn vị cung ứng giống hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để mở hướng phát triển cho cây trồng này. Đến nay, diện tích trồng cây bưởi đỏ Tân Lạc trên địa bàn thành phố là trên 600ha, trung bình mỗi héc ta cho thu nhập 600-800 triệu đồng.
 
Song song mở rộng diện tích, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn tích cực bảo tồn, phát triển một số giống cây ăn quả đặc sản. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 10 giống bưởi (bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi Vân Hà, bưởi Thồ Phú Xuyên, bưởi chua đầu tôm Sài Sơn…) và các giống cam, quýt chất lượng cao như: Cam V2, chiếm 20% diện tích trồng cam; quýt đường Canh, chiếm 30% diện tích trồng quýt; cam Vinh, chiếm 30% diện tích trồng cam. Cây cam của Hà Nội chủ yếu được trồng ở ven sông Đáy thuộc các huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Thường Tín và vùng đồi gò thuộc huyện Chương Mỹ, Ba Vì…, cho thu nhập 700-900 triệu đồng/ha/năm.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong sản xuất trồng trọt, cây ăn quả đã trở thành nhóm cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn thành phố hiện có hơn 21.880ha cây ăn quả các loại, ước tính sản lượng quả năm 2020 đạt 300.886 tấn. Trong đó có 4 loại cây ăn quả chủ lực, chiếm 62% tổng diện tích cây ăn quả, gồm: Chuối, cam Canh, bưởi, nhãn chín muộn. Để nâng cao giá trị cây ăn quả, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, thành phố đã hỗ trợ các hộ dân trồng mới, ghép, cải tạo hơn 10.000ha cây ăn quả, trong đó, có hơn 1.000ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể về cây ăn quả. Nhờ vậy, giá trị cây ăn quả ngày càng được nâng lên, đạt 400-650 triệu đồng/ha/năm, một số mô hình đạt từ 950 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng/ha/năm.
 
… thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
 
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển trồng cây ăn quả trên địa bàn Hà Nội còn gặp không ít khó khăn do đất đai manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Đây là trở ngại lớn để mở rộng sản xuất theo vùng chuyên canh tập trung trên quy mô lớn. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng làm giảm diện tích vùng trồng cây ăn quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn... Chất lượng cây ăn quả ở từng vườn, từng vùng cũng không đồng đều; khâu sơ chế, bảo quản chưa được đầu tư đúng mức nên không có sản phẩm chế biến sâu. Không những chịu rủi ro bởi bất thuận của thời tiết, khó khăn lớn nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả dẫn đến nông dân sản xuất hiệu quả không cao, nhất là một số sản phẩm cây ăn quả giảm sâu trong năm 2020…
 
Theo kế hoạch, thành phố đặt mục tiêu mở rộng diện tích cây ăn quả lên 25.750ha vào năm 2025, tập trung tại các vùng đồi gò, đất bãi và một số vùng chuyển đổi, trong đó, diện tích chuyên canh là 10.000ha với các loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể. Năm 2021, thành phố phấn đấu chăm sóc, cải tạo hơn 1.000ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao trồng mới khoảng 500ha cây ăn quả các loại. Để hoàn thành mục tiêu trên, cùng với rà soát quy hoạch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào trồng cây ăn quả, nhất là cây ăn quả đặc sản nhằm tạo chất lượng ổn định, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương chuyển đổi các cây trồng chất lượng cao. Trọng tâm giai đoạn 2021-2025 sẽ trồng mới 200ha bưởi bằng các giống bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ Bạch Hạ; 100% diện tích trồng bưởi theo hướng an toàn, trong đó 30-40% diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Thành phố cũng sẽ xây dựng 2-3 cơ sở trồng bưởi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và duy trì từ 3 nhãn hiệu tập thể trở lên, cấp từ 2-3 mã số toàn cầu truy xuất nguồn gốc cho các vùng trồng bưởi tập trung.
 
“Song song thực hiện các giải pháp trên, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân thu hoạch sản phẩm đúng thời vụ; phân loại sản phẩm để giữ vững thương hiệu, giá trị; thực hiện các biện pháp bảo quản nhằm hạn chế tổn thất làm giảm giá trị sản phẩm. Sở NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, dự báo thị trường, truy xuất nguồn gốc, tổ chức các chương trình hội chợ, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng các chuỗi liên kết, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, từ đó nâng tầm giá trị cây ăn quả”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh. 

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t