Hà Nội thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò (20:39 17/12/2020)


HNP - Sở NN&PTNT cho biết, trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngày 16/12, đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc cung cấp thông tin và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, giữa tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên gia súc tại Việt Nam. Đến nay đã có 10 tỉnh, thành phố có dịch làm trên 1.100 con trâu bò mắc bệnh và phải tiêu hủy trên 140 con. Ngày 7/12/2020, trên địa bàn thành phố đã phát hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đầu tiên tại huyện Phú Xuyên làm 1 con bò mắc bệnh và phải tiêu hủy với trọng lượng 280kg.
 
Bệnh viêm da nổi cục lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh 10-20%; tỷ lệ chết khoảng 1-5%. Triệu chứng chính của bệnh: sốt cao (có thể trên 41 độ C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2-5cm, đặc biệt là ở vùng da co, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu.
 
Hiện nay, trên thế giới đã có vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đang hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT sớm nhất cũng phải 2-3 tuần nữa mới có vắc xin để đánh giá vô trùng và an toàn trước khi hướng dẫn sử dụng rộng rãi.
 
Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT giao các trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện, hướng dẫn thực hiện hoặc tham mưu chính quyền thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch viêm da nổi. Theo đó, khi chưa có dịch xảy ra: Tổ chức thống kê tổng đàn gia súc (trâu, bò, dê, cừu) trên địa bàn để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi, đặc biệt cần phun thuốc diệt côn trùng hút máu thường xuyên tại khu vực chuồng nuôi.
 
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm soát nguồn gốc gia súc nhập vào địa bàn, chỉ nhập, tiếp nhận gia súc rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, bao gồm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc.
 
Khi phát hiện gia súc có biểu hiện bệnh, hướng dẫn tổ chức cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục; nuôi nhốt trâu, bò, dê, cừu tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi có gia súc có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục.
 
Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, trạm chăn nuôi và thú y phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương thực hiện điều tra, nắm tình hình và hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh lây lan, phòng chống bán chạy, bán tháo gia súc. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm da nổi cục, tổ chức tiêu hủy toàn bộ gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm da nổi cục hoặc gia súc trong cùng địa bàn cấp xã có biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm da nổi cục.
 
Đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng... liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; tổ vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh. Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch; trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch…

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t