Hà Nội: Nhiều kinh nghiệm quý trong phòng cháy, chữa cháy (14:42 06/08/2019)


HNP - Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 4/4/2016 của UBND thành phố về việc thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC” và 2 năm thực hiện Kế hoạch số 88/KH-UBND, ngày 14/4/2017, của UBND thành phố về “PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020”, công tác PCCC của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kiềm chế được sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Vậy đâu là kinh nghiệm của Hà Nội?

Những chuyển biến tích cực

Ngay sau khi ban hành các kế hoạch, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả để tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC&CNCH. Đồng thời, coi công tác PCCC là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và của người dân; lấy phòng ngừa là chính, tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ)...

Cùng với việc tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong công tác PCCC&CNCH, UBND thành phố đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thành phố hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành, cơ sở, khu dân cư tổ chức lập và thực tập phương án chữa cháy, CNCH theo quy định. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã cấp 3.890 giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC đối với các dự án, công trình, cấp 1.817 văn bản nghiệm thu về PCCC; đã tiếp nhận và trả kết quả đối với 1.629 hồ sơ đề nghị kiểm định phương tiện về PCCC; cấp 2.547 giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ cho các tổ chức và cá nhân; hướng dẫn lập mới và chỉnh lý 7.121 phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thực tập và phối hợp thực tập 4.915 phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đến nay, 100% đơn vị, cơ sở và địa bàn khu dân cư được hướng dẫn xây dựng phương án chữa cháy, CNCH.

Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC có bước đổi mới, hướng tới nội dung thiết thực hơn. Trong công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được tăng cường, trên cơ sở đó, triển khai các giải pháp phòng ngừa sát thực, hiệu quả hơn, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Đáng nói, năng lực PCCC trên địa bàn thành phố từng bước được nâng lên, lực lượng PCCC thành phố được củng cố, kiện toàn về biên chế, tổ chức và hoạt động; phương tiện phục vụ cho công tác PCCC&CNCH ngày càng được hiện đại hóa để có thể đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhiều kinh nghiệm quý

Từ thực tế, Hà Nội đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác PCCC nhằm kiềm chế được sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Thứ nhất, các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc là yếu tố quyết định trong tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCCC và Luật PCCC sửa đổi. Phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, vai trò nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Tiếp đến, thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC sâu, rộng đến các cơ quan, đơn vị, người dân tự giác thực hiện công tác PCCC, coi việc PCCC là trách nhiệm, quyền lợi của mình. Chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Cùng với đó là làm chuyển biến ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác PCCC. Khi người đứng đầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình sẽ có tác dụng lan tỏa tại cơ quan, đơn vị và cấp dưới. Trong thực hiện công tác PCCC lấy phòng ngừa là chính, đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gây nên cháy, nổ. Phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời, có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và sơ, tổng kết để kịp thời rút kinh nghiệm, đồng thời, biểu dương khen thưởng và nhân rộng các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hiện công tác PCCC.

Thành phố xác định, việc thực hiện công tác PCCC phải đảm bảo đồng bộ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị, từ đó có đầu tư tương xứng cho công tác PCCC, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu. Tăng cường mối quan hệ hợp tác, hiệp đồng giữa các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác xử lý những vi phạm quy định về PCCC. Ngoài ra, thành phố tăng cường đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH cho lực lượng PCCC nói chung và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng đáp ứng với nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời phải tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC&CNCH, tranh thủ được nguồn ngoại lực trong công tác đào tạo, trang bị phương tiện và chuyển giao công nghệ PCCC&CNCH.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt các kế hoạch nêu trên. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ; tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng công tác PCCC. Tăng cường phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn đối với cơ quan, trường học, tổ chức, hộ gia đình và người dân. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về PCCC.


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t