Chủ động phòng chống cháy rừng mùa hanh khô (17:08 14/10/2017)


HNP - Thời tiết diễn biến năm nay bất thường, thêm vào đó sự bất cẩn là một trong những nguyên nhân xảy ra hơn chục vụ cháy rừng ở Hà Nội. Để chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô, ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành, chủ rừng và người dân cần chủ động theo dõi, kịp thời lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Thiệt hại khó có thể đong đếm

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến bất thường gây nắng nóng dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao tại các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chủ động triển khai công tác phòng chống cháy rừng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra. Theo đó, Hạt Kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu cho UBND huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các xã, chủ rừng ban hành phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Trong đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm giảm nguy cơ cháy rừng như: Tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng ở các khu dân cư; quản lý chặt chẽ việc khai thác lâm sản; kiện toàn, củng cố các tổ phòng cháy chữa cháy rừng ở các địa phương; các hạt kiểm lâm tăng cường kiểm tra, rà soát phương án phòng cháy chữa cháy rừng của địa phương, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để thông báo về nguy cơ cháy rừng cho cơ sở…

Ban Chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng thành phố và các cấp cũng đã được kiện toàn kịp thời. Đến nay, toàn thành phố có 1 Ban Chỉ đạo của thành phố, 7 ban chỉ đạo cấp huyện, 45 ban chỉ đạo cấp xã, 8 ban chỉ huy của chủ rừng, 130 tổ bảo vệ rừng, 21 đơn vị quân đội, với tổng số 2.380 người chủ động triển khai thực hiện phương án phòng chống cháy rừng gắn liền với thực tế của địa phương.

Mặc dù, Ban Chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng thành phố thường xuyên chỉ đạo các chủ rừng, chính quyền các cấp, Chi cục Kiểm lâm Hà nội và cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nhưng do thời tiết diễn biến bất thường, trong 9 tháng qua, toàn thành phố đã xảy ra 17 vụ cháy rừng. Cháy rừng xảy ra tại địa bàn các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Đặc biệt, vụ cháy tại xã Nam Sơn (Sóc Sơn) gây thiệt hại hơn 50ha rừng thông, keo. Ban Chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng thành phố phải huy động các lực lượng gần 2.000 người tham gia chữa cháy và mất 12 giờ mới khống chế được đám cháy.

Phương châm "phòng là chính"

Qua rà soát, toàn thành phố có hơn 27.726ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 8,34% diện tích đất tự nhiên. Rừng được phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây). Rừng của Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, đồng tuổi, một tầng cơ cấu loài cây đơn giản, có thảm thực bì dưới tán dày phát triển mạnh, có độ khô nỏ cao. Do đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn nếu chủ quan, không thực hiện tốt việc xử lý thực bì. Mặt khác rừng của Thủ đô gắn liền với các công trình văn hoá lịch sử có lễ hội và tâm linh, xen kẽ với các khu dân cư nên cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Theo dự báo, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết khô hanh, nắng hạn kéo dài khiến các hồ đập, suối trong rừng đều cạn kiệt nước dẫn đến công tác ứng phóng với sự cố cháy rừng có thể xảy ra gặp khó khăn...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, từ nay đến hết tháng 4/2018 là giai đoạn khô hanh, đồng thời là thời điểm có nhiều lễ hội nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để chủ động trong công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống trong và gần rừng, khách du lịch ý thức về phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong và gần rừng...

Với phương châm “phòng hỏa, hơn cứu hỏa”, các địa phương có rừng trên địa bàn thành phố đã có nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp. Đơn cử như huyện Ba Vì đã yêu cầu rà soát, tu sửa, bảo dưỡng các công trình bảo vệ rừng, thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng đang sử dụng để phát huy hiệu quả cao nhất... Tương tự, huyện Sóc Sơn đã kiểm tra xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, tổ chức lực lượng, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng với phương châm phòng cháy rừng là chính; chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời, triệt để, an toàn không để cháy rừng nghiêm trọng xảy ra.

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết thêm, hiện nay, Hạt Kiểm lâm Hà Nội đang phối hợp tích cực với chính quyền địa phương hướng dẫn chủ rừng thu gom vật liệu dễ cháy; phát quang những dây leo, bụi rậm và xây dựng các đường băng trắng và đường băng xanh để ngăn cản chống cháy lan; bao quanh các khu rừng dễ cháy. Đồng thời, phân công các lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng cơ động tham gia chữa cháy rừng; khi có cháy rừng xảy ra, nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ để chữa cháy hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ" và báo cáo kịp thời với thành phố theo quy định để bố trí huy động lực lượng kịp thời khi cần thiết...


Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t