Hiệu quả từ đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất (15:44 13/12/2016)


HNP - Cùng với TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất vào ngày 15/8/2016. Qua thời gian triển khai thực hiện, TP Hà Nội đã tiến hành mọi công tác về lắp đặt, truyền dẫn… đảm bảo đúng tiến độ của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt.

Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú trao ti vi hỗ trợ hộ nghèo trong việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang số hóa truyền hình


Tăng cường tuyên truyền Đề án số hóa truyền hình mặt đất
 
Nhằm đưa thông tin về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến với người dân Thủ đô, đặc biệt là những đối tượng còn khó khăn, trước khi thực hiện Đề án, Sở Thông tin và Truyền thông đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền. Trong đó, thực hiện sản xuất và phát hành 2 CD tuyên truyền, phát hành 2 kỳ bản tin Thông tin và Truyền thông, biên soạn 12 bài viết tuyên truyền rộng rãi đến 584 xã, phường thị trấn. Cổng Thông tin điện tử Sở cũng đã có chuyên mục riêng “Thông tin tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất”.
 
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội còn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và một số báo, đài Thành phố tổ chức phát sóng buổi tọa đàm và phóng sự tuyên truyền về đề án số hóa. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã phát sóng, các video clip tuyên truyền do Bộ Thông tin và Truyền thông vào một số khung thời gian trong ngày. Sản xuất chương trình, phóng sự về lợi ích số hóa và vai trò của truyền thông phát sóng trên các kênh của Đài. Trong khi đó, các Đài Phát thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố cũng thường xuyên phát các chương trình tại các khung giờ nhất định trong ngày.
 
Sở cũng cùng với UBND 30 quận, huyện, thị xã tổ chức hội nghị tuyên truyền về Đề án số hóa của TP Hà Nội tại 5 cụm, điểm nhằm tập huấn, tuyên truyền về số hóa cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ văn hóa cấp huyện, cấp xã. Chủ trì, phối hợp với Bưu điện Hà Nội triển khai phát hành 2 triệu tờ rơi tuyên truyền về Đề án số hóa đên 584 xã/phường/thị trấn để phát đến toàn bộ các hộ gia đình trên địa bàn TP Hà Nội, đồng thời gửi văn bản tới UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND xã, phường, thị trấn về cấp phát và tuyên truyền tờ rơi về số hóa truyền hình mặt đất trên địa bàn Thành phố.
 
Qua tuyên truyền, UBND các cấp cơ bản đã quán triệt và tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền. Đa số người dân đã hiểu và thực hiện chuyển đổi để thu xem được truyền hình số chất lượng tốt hơn…
 
Hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận truyền hình số
 
Ngày 02/3/2016, Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã gửi văn bản cho UBND TP Hà Nội về việc triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (chuẩn mới). Theo đó, ngoài việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số vẫn tiến hành theo sự chuẩn bị dựa trên số liệu hộ nghèo, cận nghèo, Bộ TT&TT xem xét bổ sung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Quỹ dịch vụ viễn thông Công ích Việt Nam, Bưu điện Hà Nội và UBND 30 quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai lắp đặt truyền hình cáp và đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội.
 
Cụ thể, hỗ trợ 65.377 hộ nghèo, trong đó, điều kiện được hỗ trợ là hộ nghèo có ti vi nhưng chưa tiếp cận truyền hình số với hình thức hỗ trợ là Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam hỗ trợ đầu thu truyền hình số; Viettel Hà Nội tài trợ lắp đặt truyền hình cáp cho 12.018 hộ nghèo tại các địa bàn Viettel có hạ tầng. Thành phố đã cơ bản hoàn thành chương trình hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận truyền hình mặt đất. Ngoài ra, các hộ nghèo cũng được hỗ trợ toàn bộ trang thiết bị để thu xem được các kênh truyền hình phục vụ mục đích chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền hình quảng bá công nghệ số mà không phải trả bất kì khoản phí nào trong quá trình lắp đặt.
 
Để các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận truyền hình số, TP Hà Nội đã rất nỗ lực triển khai đề án. Đáng chú ý là sự phối hợp của các Sở, ban, ngành cùng các đơn vị và địa phương. Trong công tác này Sở Thông tin Truyền thông đã tích cực cùng với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Viettel Hà Nội và 2 đơn vị trúng thầu lắp đặt đầu thu truyền hình triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo của Thành phố tiếp cận truyền hình mặt đất phục vụ việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại Hà Nội. 
 
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra thực tế công tác tổ chức thông tin tuyên truyền, lăp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất và truyền hình cáp tại một số hộ nghèo của các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Qua kiểm tra cho thấy, UBND các xã đã quán triệt và tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã và phát tờ rơi tuyên truyền về Đề án số hóa truyền hình đến các hộ gia đình trên địa bàn. Các hộ nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ tại các xã đã được lắp đặt đầu thu truyền hình số hoặc truyền hình cáp với chất lượng tín hiệu truyền hình tốt để thu xem các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Trung ương và TP Hà Nội.
 
Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đã thực sự tạo điều kiện cho người dân Thủ đô từ nội thành đến các huyện ngoại thành có thể tiếp cận với tín hiệu truyền hình chất lượng hơn cũng như nâng cao đời sống tinh thần của người dân…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t