Thực tiễn, kết quả triển khai của Hà Nội là những bài học, kinh nghiệm quý trong công tác giáo dục liêm chính (15:25 01/08/2024)


HNP - Sáng 1/8, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương, do đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, điều hành Ban Dân vận Trung ương dẫn đầu, đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 15/4/2024 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành về Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính.  

Quang cảnh Hội nghị khảo sát


Đại biểu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố.

Đề xuất mở thí điểm lớp đào tạo về công tác giáo dục liêm chính

Báo cáo về tình hình, kết quả công tác giáo dục liêm chính trên địa bàn Thành phố, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Bùi Bảo Tuấn cho biết: Thành ủy đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến thực hành liêm chính. Đồng thời, đã ban hành hệ thống các văn bản cụ thể hóa, tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn trên địa bàn Thành phố. Nổi bật, đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TU ngày 7/8/2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Bùi Bảo Tuấn trình bày báo cáo

Trong kiểm tra, giám sát thực hiện công tác liêm chính, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 05 đoàn kiểm tra tổ chức kiểm tra trực tiếp 10 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Thành phố. Hàng năm, tổ chức kiểm tra 50/50 đảng bộ trực thuộc về công tác xây dựng đảng và nghiệp vụ công tác xây dựng đảng.

Kết quả, trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện những cách làm hay như việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên địa bàn Thủ đô được lan tỏa, được Trung ương, các địa phương ghi nhận, biểu dương, khen thưởng như: Mô hình bộ phận Một cửa, một cửa liên thông giải quyết TTHC văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”… các hoạt động đoàn thể, tại các không gian công cộng.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác giáo dục liêm chính hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ được lồng ghép chung trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nội dung, tài liệu về giáo dục liêm chính chưa được biên soạn bài bản và còn thiếu; Một số biện pháp tuyên truyền, giáo dục còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao…

Tại buổi làm việc, Thành ủy Hà Nội kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương nghiên cứu, thống nhất hướng dẫn toàn quốc việc tuyên truyền, giáo dục liêm chính, xác định không chỉ giáo dục trong các cơ quan Đảng, nhà nước, hệ thống chính trị các cấp mà còn trong các ngành, lĩnh vực, môi trường xã hội khác. Bên cạnh đó, đề xuất Trung ương cho phép Thành phố mở thí điểm lớp đào tạo về công tác giáo dục liêm chính…

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý phát biểu

Phản ánh thực tiễn phong phú, đậm nét trong công tác giáo dục liêm chính

Các thành viên đoàn kiểm tra đã nêu 7 câu hỏi tập trung vào 5 nhóm vấn đề về: Việc triển khai giáo dục liêm chính và giáo dục văn hóa liêm chính; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quán triệt văn bản về giáo dục liêm chính của Trung ương và Thành phố; Kết quả triển khai công tác phòng chống tham nhũng và giáo dục liêm chính; Các biện pháp và giải pháp pháp luật về giáo dục liêm chính…

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội với công tác giáo dục liêm chính và những kết quả đạt được. “Báo cáo thể hiện sự chuẩn bị công phu và phải có thực tiễn, phản ánh phong phú, đậm nét, thể hiện rõ công tác liêm chính đối với cán bộ, đảng viên”.

Để đánh giá sát thực trạng, đồng chí đề nghị làm rõ thêm về nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về liêm chính và giáo dục liêm chính. Việc này đã thực sự là một nội dung như các mảng công tác khác trong công tác xây dựng đảng không. Đồng thời, nêu kết quả và kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện trên địa bàn Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ địa phương I, Ban Nội chính Trung ương đề nghị làm rõ thêm chuẩn mực đạo đức đã bao hàm liêm chính chưa? Giờ xuất hiện nhiều thuật ngữ, vậy thuật ngữ “giáo dục liêm chính” có bao hàm những thuật ngữ trước đây như giáo dục chính trị, tư tưởng… không. Theo đồng chí, mục tiêu của Đề án là ban hành chỉ thị, vậy có cần những giải pháp đi kèm để liêm chính thực sự đi vào cuộc sống.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu

Luôn nghiêm túc triển khai yêu cầu về giáo dục liêm chính

Trao đổi, làm rõ thêm tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định việc nhận thức, hiểu nội dung về văn hóa liêm chính mà Bộ Chính trị đang giao Ban chỉ đạo nghiên cứu, triển khai, đề xuất là vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Nhấn mạnh Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước, vì vậy, tất cả những chủ trương của Đảng, nhà nước và các bộ, ngành, Hà Nội đều chấp hành và thực hiện nghiêm túc, nhất là các yêu cầu về giáo dục liêm chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Hà Nội đã triển khai rất nghiêm túc nội dung này trong cả 4 nhiệm kỳ, đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhiệm kỳ nào cũng có chuyên đề về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Thành ủy đã 3 lần sửa quy chế theo tinh thần quy chế mẫu Ban Bí thư ban hành, ban hành quy chế làm việc của Đảng đoàn HĐND Thành phố, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố. Đồng thời, Thành phố cũng ban hành quy chế về chức năng nhiệm vụ và quy trình xử lý tại tất cả các sở, ngành; phân cấp 712 TTHC thuộc thẩm quyền các Giám đốc Sở cho các quận, huyện, thị xã để giải quyết nhanh nhất yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai phần mềm iHanoi, trong đó, có mục phản ánh ý kiến người dân, qua đó, người dân có thể phản ánh 24/24h các vấn đề góp phần nâng cao cải cách hành chính và đạo đức công vụ.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, hiện nay, Hà Nội chưa có cuộc kiểm tra chuyên đề nào về văn hóa liêm chính, tuy nhiên, kiểm tra về phòng chống tham nhũng tiêu cực thì nhiệm kỳ nào cũng có. Ngoài ra, Thành ủy đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, sắp tới sẽ tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện.

Nhân dịp này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiến nghị với Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để không có sự mâu thuẫn, chồng chéo và tạo sự thống nhất trong các đối tượng áp dụng.

Để góp phần xây dựng văn hóa liêm chính với "4 không - Không dám, Không thể, Không muốn, Không cần", đồng chí cho rằng cần có chế độ chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài ra, trong công tác tuyên truyền, giáo dục cần tính toán để phân tầng, lựa chọn nội dung cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Trân trọng tiếp thu các ý kiến của các thành viên đoàn khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến một lần nữa nhấn mạnh tính thời sự, cần thiết, cấp bách của việc giáo dục liêm chính, từ đó, đề nghị Trung ương cần ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Thành ủy sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để sớm bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn tổng hợp.

Phó Trưởng ban Thường trực, điều hành Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu kết luận

Bổ sung những mô hình, cách làm hay của Hà Nội để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, điều hành Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cảm ơn sự phối hợp, chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng các nội dung theo yêu cầu. Buổi làm việc đã hoàn thành nội dung, kế hoạch đặt ra với nhiều ý kiến làm rõ thêm các kết quả của Thành phố, nhất là kết quả tại các địa phương, đơn vị, sở, ngành. “Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đã nêu được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, nêu đề xuất, kiến nghị cụ thể với Đoàn khảo sát”, đồng chí cho biết.

Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, cách làm của Hà Nội, đồng chí Phạm Tất Thắng cũng ghi nhận những ý kiến thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện liêm chính để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cả trong chính sách, thực hiện, từ đó, có những  phân tích nguyên nhân cả khách quan, chủ quan để đề xuất kiến nghị với nhiều nội dung quan trọng.

Đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất của Thành ủy Hà Nội với Đảng, Nhà nước, Phó Trưởng ban Thường trực, điều hành Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đề nghị Hà Nội bổ sung thêm những giải pháp mô hình, cách làm hay, kết quả cụ thể đạt được; Đề xuất kiến nghị những vấn đề cụ thể để đẩy mạnh công tác giáo dục liêm chính thời gian tới. Hoàn thiện báo cáo và các báo cáo cụ thể của các đơn vị để Đoàn giám sát tổng hợp, gửi Ban Chỉ đạo.


Vương Vân


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t