Nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế (12:57 09/05/2020)


HNP - Sáng 9/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế", nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Cùng chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình) có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.

Toàn cảnh hội nghị


Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; các Phó Chủ tịch UBND TP: Ngô Văn Quý, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản; cùng lãnh đạo các sở, ngành thành phố.
 
Bên cạnh việc tổ chức trực tuyến hội nghị với 96 điểm cầu tại các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, hội nghị còn được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh có thể theo dõi hội nghị.
 
Không nói suông, nói để đó
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hội nghị này được đánh giá là diễn đàn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Trong thời gian xảy ra dịch Covid, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
 
“Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, Hội nghị hôm nay là dịp không phải để bàn lùi, than nghèo kể khổ, than vãn khó khăn của doanh nghiệp, mà phải nêu được trở ngại. Chính phủ sẽ tìm cách thức để thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, là nguồn gốc để phát triển bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, bắt buộc hội nghị phải có kết quả cụ thể, “không nói suông, nói để đó”. Các bộ, ngành phải “xắn tay áo”, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp trên tinh thần cải cách đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cần lưu ý lúc này không có những việc “quyền anh, quyền tôi” mà vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu dân Việt Nam.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phát biểu có chất lượng, trọng tâm nêu chính sách, giải pháp hỗ trợ mới cho doanh nghiệp thay vì những cái “đã biết rồi”, đặc biệt, không để cán bộ, công chức vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân cho doanh nghiệp.
 
“Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc” và giờ tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần được thúc đẩy. Chúng ta nhiều lần nêu vi rút trì trệ, nhưng đừng nhìn sang cơ quan, tổ chức, địa phương khác mà vi rút này nằm ngay trong bản thân, tổ chức, địa phương và ngay trong doanh nghiệp của chúng ta”, Thủ tướng Chính phủ phát biểu rõ.
 
“Những lúc khó khăn, gai góc nhất là dịp để thể hiện bản sắc dân tộc, đoàn kết, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Như ai đó đã nói, "khó khăn không phải sinh ra để đánh bại chúng ta mà để chúng ta đánh bại nó”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong kết thúc phát biểu khai mạc.
 
Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp luôn dám nghĩ lớn, làm lớn, ước mơ và hành động để biến ước mơ thành hiện thực. Sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội trăm năm cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước bởi nếu không biết tận dụng thì cơ hội này sẽ thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Hỗ trợ tối đa cho DN phát triển
 
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Qua khảo sát gần đây cho thấy các DN Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…  
 
Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn: Khoảng 90% DN được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các DN khác; trên 50% DN thực hiện giãn công nợ cho DN đối tác; gần 50% DN thực hiện giảm giá; gần 40% chia sẻ khách hàng với DN khác; gần 30% DN chia sẻ thị trường; 6% thực hiện cho DN khách hàng vay. Đã có nhiều DN chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.
 
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, các giải pháp đã được Chính phủ ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như gia hạn nộp thuế, ưu đãi về thuế, tín dụng, hỗ trợ người lao động, giảm chi phí cho DN… đã được triển khai hiệu quả.
 
Các ngành chức năng đã tập trung hỗ trợ DN biến khó khăn thành cơ hội thông qua củng cố nội lực, đặc biệt là trong chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ; nâng cao trình độ người lao động; nâng cấp chiến lược kinh doanh, tăng cường liên kết sức mạnh, tạo chuỗi giá trị mới, bền vững; củng cố và mở rộng thị trường; bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực chống đỡ trước những thay đổi bất thường của môi trường kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu.  
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các DN cần nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy; xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới. Xây dựng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào bền vững, tự chủ. Xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt từ nhập khẩu và DN trong nước có khả năng sản xuất thay thế để định hướng cho DN dịch chuyển cơ cấu sản xuất thay thế nhập khẩu (để chủ động được nguyên vật liệu sản xuất trong chuỗi sản phẩm của các DN trong điều kiện giao thương bị hạn chế, không có nguồn nguyên vật liệu sản xuất tại một số ngành, lĩnh vực như hiện nay).
 
Khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa
 
Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Theo Chủ tịch VCCI, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa - người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam, bao gồm cả các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất. Nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới. Xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch tại Việt Nam. Xây dựng một số đề án xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư gọn nhẹ, lên kế hoạch, phương án triển khai cụ thể và chuẩn bị sẵn sàng để có thể tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các quốc gia trên thế giới.  
 
Xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các thương hiệu ngành hàng, sản phẩm được lựa chọn và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam trên thị trường quốc tế; sớm có cơ hội tiếp cận đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, các sự kiện ngoại giao, văn hóa ở nước ngoài sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.  
 
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là hình thức online về cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là cho DN vừa và nhỏ. Để khai thác tối đa các FTA đã được ký kết và có hiệu lực, cần có sự vào cuộc đồng thời của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN trong việc quảng bá, làm rõ, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để kịp thời nắm bắt các lợi thế mang lại.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t