Hà Nội tích cực hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (10:37 08/05/2020)


HNP - Nhằm tạo điều kiện đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Hà Nội là một trong những địa phương triển khai sớm việc chi tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Người dân phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng nhận hỗ trợ


Triển khai liên tục từ ngày 27/4 đến nay, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ đợt 1 cho các nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các nhóm đối tượng còn lại đang được các ngành, địa phương khẩn trương tiến hành rà soát, lập danh sách làm căn cứ triển khai chi tiền hỗ trợ đợt 2.
 
Tại hội nghị cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ngày 7/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội đã triển khai ngay với các nhóm đối tượng là: người có công, đối tượng người bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo. Đến ngày 6/5, thành phố đã thực hiện trợ cấp cho 383.258 đối tượng, đạt 98% với kinh phí là 465,7 tỉ đồng, còn 2% còn lại do các đối tượng không ở nơi cư trú. Hà Nội đã thống nhất phương pháp, thực hiện rà soát, triển khai tới các nhóm đối tượng khác theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trên tinh thần kịp thời, chặt chẽ, minh bạch, công khai để không xảy ra tiêu cực.
 
Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH, tính đến ngày 6/5, một số quận, huyện, thị xã đã chi trả cho các đối tượng đạt 100% là: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Ba Vì, Sơn Tây, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín. Nhiều quận, huyện khác chi trả đạt tỷ lệ 98% trở lên là: Nam Từ Liêm 99,9%, Long Biên 99,6%, Thanh Xuân 99,5%, Tây Hồ 98,9%, Hai Bà Trưng 98,6%, Ứng Hòa 98,4%, Đống Đa 98,3%, Chương Mỹ 98,3%, Quốc Oai 98%... Các trường hợp chưa được chi trả chủ yếu là do đối tượng vắng mặt tại nơi cư trú. Để đạt được kết quả này, hầu hết các quận, huyện, thị xã đều khẩn trương, nghiêm túc trong triển khai thực hiện. Nhiều nơi, lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp và bám sát tình hình để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng.
 
Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Từ ngày 27/4, tất cả các quận, huyện, thị xã đã triển khai ngay việc rà soát, lập danh sách và tổ chức chi trả cho người dân. Trong quá trình triển khai, nhiều quận, huyện đã rất tích cực bố trí nguồn lực nhanh đảm bảo chi trả kịp thời. Đồng chí cũng cho biết: “Một số huyện khó khăn, nhưng đã chủ động bố trí nguồn lực khác, kể cả đi vay để có thể kịp thời chi trả cho các đối tượng chính sách”. Mặt khác, các quận, huyện cũng rất chu đáo tận tình trong việc triển khai. Cụ thể, đối với các đối tượng ốm đau, người cao tuổi được chi trả tại nhà…
 
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở cũng thường xuyên quan tâm, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã để đôn đốc, tìm các giải pháp khắc phục khó khăn để triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ tới các đối tượng một cách nhanh nhất. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và thành phố tuyên truyền sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng như tiến độ chi trả tiền hỗ trợ của thành phố đối với các đối tượng thụ hưởng. 
 
Cùng với quá trình thực thi chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, TP Hà Nội đang khẩn trương rà soát, thống kê các đối tượng còn lại liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể, làm căn cứ để thành phố sớm ban hành quyết định hỗ trợ đợt 2 cho những người bị ảnh hưởng.
 
Theo kết quả rà soát sơ bộ, toàn thành phố hiện có khoảng 138.000 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương cho người lao động; 75.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và 850.000 người không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm… Số doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng lên đến con số hàng chục nghìn.
 
Cũng tại hội nghị cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, diễn ra vào ngày 7/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương cần tiếp tục thực hiện triển khai các biện pháp phát triển kinh tế, xã hội, kêu gọi đầu tư; ổn định cuộc sống, an sinh cho người dân bằng việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t