10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 3: Kinh tế tăng trưởng, điểm sáng về thu hút đầu tư (05:07 25/07/2018)


HNP - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, những băn khoăn ban đầu đã được giải đáp khi Hà Nội phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, sử dụng hiệu quả nguồn lực về tài nguyên đất đai, con người để phát triển. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng nhanh, bền vững. Đặc biệt, Hà Nội đã huy động tốt nguồn lực đầu tư xã hội, trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút FDI…

Hà Nội thu hút mạnh mẽ đầu tư để phát triển


Kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững
 
Ngay sau khi hợp nhất, Hà Nội đã tiến hành rà soát các cơ chế, chính sách để thống nhất thực hiện. Cùng với đó, Thành phố cũng rà soát lại toàn bộ các dự án để đảm bảo khớp nối đồng bộ quy hoạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai. Đặc biệt, Thành phố triển khai ngay việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn mở rộng, với tầm nhìn mới, trong đó, có “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”…
 
Những quy hoạch trên đã mở ra không gian mới để kinh tế Thủ đô phát triển, đồng thời, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô cũng tạo điều kiện cho Hà Nội có được những cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực. Chính vì thế, trong 10 năm qua, mặc dù đối mặt với suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, song kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà tăng trưởng. Giai đoạn 2008-2017, tăng trưởng GRDP của Thành phố bình quân đạt 7,4%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 7,43%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,23%, nông nghiệp tăng 2,84%. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố năm 2017 đạt gần 520 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2008; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2008; 
 
Thành phố luôn hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu thu, chi ngân sách mà Trung ương giao. Năm 2017, thu ngân sách của Thành phố đạt trên 212 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2008; chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,76%, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008.
 
Quan trọng hơn, cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ và chất lượng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, du lịch… tiếp tục phát triển. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD, gấp 1,7 lần so với năm 2008; khách du lịch quốc tế đến Thủ đô tăng từ 1,3 triệu lượt (năm 2008) lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (gấp 3,8 lần), Hà Nội nằm trong top 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
 
Đặc biệt, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; khu vực nông thôn được quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo khởi sắc rõ nét, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; khoảng cách phát triển giữa khu vực nội đô và các vùng ngoại thành được thu hẹp.
 
Điểm sáng về thu hút đầu tư
 
Liên tục trong 10 năm qua, Hà Nội luôn xác định cải cách hành chính là một khâu đột phá, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Thành phố đã triển khai một loạt giải pháp như tăng cường kỷ cương hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, các thủ tục về thuế, hải quan… Nhờ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục kể từ năm 2012, đến năm 2017, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Hà Nội cũng luôn ở nhóm dẫn đầu cả nước, năm 2017 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
 
Ngoài ra, Hà Nội còn chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với các thành phố, tổ chức thuộc các nước láng giềng, nước lớn và đối tác quan trọng tiếp tục có những bước phát triển ấn tượng. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã được tổ chức thường niên, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của Thành phố.
 
Chính những kết quả đó đã tác động mạnh mẽ đến việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Năm 2017, tổng vốn đầu tư xã hội của Hà Nội gấp 2,85 lần so với năm 2008, riêng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,435 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, vượt kế hoạch năm 4%, trong đó, có 556 dự án được cấp mới, với số vốn đăng ký là 1,434 tỷ USD. Lũy kế đến tháng 6/2018, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Thành phố là hơn 4.300 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt 33,38 tỷ USD. Chỉ riêng 2 năm 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã thu hút được gần 12,5 tỷ USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút trong giai đoạn 1986-2015, đưa Hà Nội tạm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
 
Cùng với hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế, Hà Nội còn mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường… Với những dự án, công trình thiết thực đang phát huy hiệu quả, tất cả đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hướng đến xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t