Nông nghiệp Thủ đô phải là đầu tàu dẫn dắt, có tính lan tỏa ra cả nước và hội nhập quốc tế (05:00 17/02/2017)


HNP - Sáng 16/2, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tham dự hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị


Cùng dự có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP và các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo các sở ngành.
 
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết: trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp thành phố đã phát triển được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trong đó, có 22 vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 5.044ha, 25 vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 2.708 ha, 14 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao với diện tích 15.500 ha, 10 vùng sản xuất hoa, cây cảnh với diện tích 2.700 ha, 5 vùng sản xuất chè chất lượng cao với diện tích 3.000 ha, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%, chăn nuôi đạt 33,5%, thủy sản đạt 13%.
 
Thành phố đã phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm, bao gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và 3.660 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 20 vùng chăn nuôi trồng thủy sản với diện tích 2.500 ha đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
 
Trong xây dựng NTM, tính đến hết năm 2012, thành phố có 100% số xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM vượt 25,6% so với mục tiêu đề ra. Trong 131 xã còn lại có 88 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 42 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chỉ còn 1 xã tại huyện Ba Vì đạt 8 tiêu chí, có 2 huyện (Đan Phượng và Đông Anh) đã được công nhận huyện NTM. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, 95% đường liên thôn được bê tông hóa, 91% đường ngõ xóm và 50% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa. 100% các hộ dân được sử dụng thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, bàn về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phát triển nông nghiệp, cơ chế chính sách cho việc phát triển nông nghiệp cao, các vùng chuyên canh quy mô lớn, phát triển nông nghiệp vùng bãi ven sông Hồng. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác thanh tra kiểm tra, công tác phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, công tác giết mổ gia súc gia cầm, vi phạm đê điều, thủy lợi. Bên cạnh đó, các đại biểu còn thảo luận vấn đề ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, ô nhiễm nguồn nước sản xuất; việc kè đê gắn với phát triển giao thông khu vực quận Tây Hồ…
 
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng nông nghiệp, nông thôn của Thành phố đã phát triển đồng bộ, hiệu quả cao. Nông nghiệp của Thủ đô đã phát huy được lợi thế, phù hợp với xu thế tiến bộ, có cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả… hình thành được vùng cây con tập trung về chăn nuôi và trồng trọt, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thành phố đã có những bước đột phá trong lĩnh vực chăn nuôi như: mô hình bò lai F1BBB, tạo thành vùng giống lớn cho các khu vực và có hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc

Đặc biệt, trong những năm qua, UBND và HĐND đã có những Nghị quyết chuyên đề về công tác này, đã có ưu tiên nguồn lực. Bộ trưởng nhấn mạnh: trong bức tranh chung về khó khăn kinh tế nhưng thành phố vẫn bố trí nguồn lực lớn cho nông nghiệp, nông thôn…hoàn thiện các thiết chế hạ tầng và tập trung phát triển sản xuất, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu ngành nông nghiệp Thủ đô phải xác định được vị thế, nhìn nhận đúng thực tế, xác định sứ mệnh cao hơn, mục tiêu phát triển nông nghiệp và tái cơ cấu phải phát triển hơn các tỉnh thành khác, đưa ra những nhóm giải pháp quyết liệt hơn. Đồng chí nhấn mạnh: “Nông nghiệp thành phố Hà Nội phải là đầu tàu dẫn dắt, có tính lan tỏa ra cả nước và tiến tới quốc tế”.
 
Bộ trưởng lưu ý, khi phát triển nông nghiệp cần gắn với công nghiệp và phát triển dịch vụ nông nghiệp, tận dụng ứng dụng của khoa học công nghệ. Phát lợi thế về địa lý, đặc thù về thổ nhưỡng đất đai, khí hậu, nguồn nước hay dân cư đông. Nuôi trồng thủy sản theo hướng đẩy mạnh giá trị kinh tế. Chăn nuôi cần tập trung vào công tác quản lý, quản trị tốt, ít ô nhiễm môi trường, chú trọng phát triển thị trường bền vững. Khu vực đồi gò cần tập trung phát triển các cây có múi, nhóm đặc sản của Thủ đô, hình thành vùng cây trồng lớn.
 
Ngoài ra, cần chú trọng các vành đai xanh khu vực ven đô gắn với phát triển hoa, cây cảnh để từ đó phát triển du lịch. Về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cần hình thành các vùng trao đổi buôn bán tập trung, xây dựng các chuỗi lưu thông gắn với chế biến cho cả khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, kêu gọi các doanh nghiệp nông nghiệp với quy mô lớn, quy mô nhỏ. Bộ cũng sẽ nghiên cứu liên quan đến các vấn đề thành phố kiến nghị đến các đơn vị thuộc, từ đó, sẽ thống nhất báo cáo Chính phủ để có cơ chế chính sách theo từng nhóm việc.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, nông nghiệp Hà Nội tuy phát triển nhanh so với mức bình quân cả nước nhưng vẫn còn ít so với tiềm năng lợi thế của Thủ đô. Trong đó các sản phẩm nông nghiệp, lâm, thủy sản mới đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu tiêu dùng của thành phố, người dân vùng nông thôn thu nhập từ nông nghiệp còn rất thấp. Bên cạnh đó, giá trị nông nghiệp công nghệ cao còn thấp, chưa xuất khẩu được nhiều nông sản. Trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung phát triển sản xuất, phát huy lợi thế nâng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao.
 
Bí thư cho rằng, về ô nhiễm môi trường sông trên địa bàn thành phố, thành phố đang đẩy mạnh tiến độ cải tạo làm sống lại dòng sông, đầu tư nâng cấp một số trạm bơm để phát triển hệ thống thủy lợi, việc này thành phố mong muốn Bộ NN&PTNT phối hợp, chủ trì để vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm. Bên cạnh đó, thành phố sẽ khuyến khích phát triển các hợp tác xã và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp.
 
Về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, 60 chuỗi liên kết được duy trì hiện nay vẫn là chưa đủ, cần phát triển nhiều hơn nữa mới có thể kiểm soát được nguồn thực phẩm. Kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm tới đề xuất của Hà Nội về xây dựng chợ đầu mối lớn, hiện đại với giá trị đầu tư lên tới 250 triệu USD, Bí thư Thành uỷ khẳng định, đây sẽ bước đi đột phá, là một trong các điều kiện để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, giúp loại bỏ hơn 100 chợ cóc đang tồn tại.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: đến 30/3/2017, thành phố sẽ hoàn thành việc cấp “sổ đỏ” đất nông nghiệp cho người dân sau dồn điền đổi thửa. Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để người dân đầu tư phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung quy hoạch, lựa chọn những địa điểm để phát triển chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn; tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao gắn liền với phát triển du lịch.
 
Theo Chủ tịch UBND TP, hiện nay, mô hình hợp tác xã còn nhiều bất cập. Thành phố đang thí điểm tích hợp một số dịch vụ ở các hợp tác xã này đề nâng cao hiệu quả, giảm giá thành phục vụ nhân dân. Dẫn chứng việc tích hợp dịch vụ cung cấp nước sạch ở Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chủ tịch UBND TP cho biết, sắp tới, thành phố sẽ triển khai mô hình này để cung cấp nước sạch cho 450.000 hộ ở nông thôn.
 
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Hà Nội khẩn trương hoàn thành quy hoạch đê điều để sớm ổn định cuộc sống của 850.000 dân đang sinh sống ngoài đê...

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t