Củng cố, nâng cao hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp (06:51 19/03/2020)


HNP - Thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã tập trung củng cố, nâng cao hoạt động của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động của các HTX, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Những chuyển biến tích cực

Đến xã Đông Xuân thời điểm này, nhiều người bất ngờ trước những cánh đồng trồng rau, hoa, quả xanh ngút tầm mắt. Có được thành quả này, không thể không nhắc tới các thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân. Trăn trở và chia sẻ những khó khăn, 11 thành viên đã liên kết thành lập HTX với mục tiêu cùng nhau giúp đỡ sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ngay sau khi thành lập, HTX đã phối hợp với Trường Đại học nông nghiệp 1 Hà Nội hướng dẫn tập huấn kỹ thuật, thí điểm trồng cây dưa lê siêu ngọt trên diện tích 1ha. Từ chỗ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình sạch, sản phẩm của HTX được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng. Nhận thấy sản xuất hiệu quả, nhiều người dân xã Đông Xuân đã tự nguyện tham gia, đến nay, HTX đã phát triển được hơn 100 thành viên. Cùng với đó, diện tích trồng cây ăn của của HTX ngày càng được mở rộng, đến nay, được khoảng 40ha trồng dưa lê tập trung theo quy trình khép kín đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn trồng nhiều loại rau xanh cung cấp cho nhiều cửa hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố và xuất khẩu. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.

Tương tự, tận dụng địa thế đồi gò, khí hậu mát mẻ, thời gian qua, HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn cũng đã phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè an toàn và theo hướng VietGAP. Hiện nay, các thành viên hợp tác xã đang sản xuất 150 chè an toàn ở xã Bắc Sơn. Nhờ phương thức sản xuất tiên tiến nên việc tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi. Chưa dừng lại ở đó, HTX còn mở rộng liên kết giữa nông dân với nông dân thông qua HTX đã giúp nhiều thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập…

Với HTX Dịch vụ tổng hợp Mai Đình, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã hoạt động ngày càng hiệu quả. Ngoài đảm nhiệm đầy đủ các khâu dịch vụ nông nghiệp ở xã Mai Đình, HTX đã làm tốt việc đưa các loại giống cây trồng chất lượng cao phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, HTX đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức sản xuất khảo nghiệm 12 giống lúa để rút kinh nghiệm lựa chọn được giống lúa phù hợp với đồng đất địa phương và cho giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, HTX còn làm tốt công tác tín chấp, hướng dẫn thành viên vay vốn phát triển sản xuất…

Cùng với nỗ lực củng cố và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều HTX trên địa bàn huyện Sóc Sơn ngày càng phát huy hiệu quả, có mức tăng trưởng khá, nhất là các HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, đa số các HTX xã của huyện sau khi được củng cố, tổ chức lại đều tích cực tham gia dồn điền đổi thửa tại địa phương, đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các khâu dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân, làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất, bảo đảm về thời vụ. Nhiều HTX đã mạnh dạn huy động vốn đầu tư kinh phí cơ giới hóa trong các khâu dịch vụ làm đất, gieo cấy, thu hoạch, bảo vệ thực vật bước đầu hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho các thành viên HTX…

Thực hiện đồng bộ chính sách, hỗ trợ phát triển

Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong số 108 HTX nông nghiệp, huyện Sóc Sơn có 9 HTX hoạt động hiệu quả xếp loại tốt, 35 HTX xếp loại khá, 48 HTX xếp loại trung bình, 3 HTX xếp loại yếu và 9 HTX thành lập mới chưa đánh giá phân loại. Cũng giống các địa phương trên địa bàn thành phố, nhiều HTX trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong quá trình hoạt động đã gặp một số khó khăn do quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi... Bên cạnh đó, công tác quản lý tài chính, kế toán chưa tốt, năng lực đội ngũ quản lý, điều hành còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm khiến một số HTX lúng túng trong quá trình hoạt động. Mặt khác, các HTX chưa được hướng dẫn kể cả chính sách ưu đãi của Nhà Nước ban hành, nguyên nhân là do thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện và những yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện…

Bà Vi Thị Bình Anh cho biết, để khơi thông những "điểm nghẽn" đang đặt ra đối với hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn, thời gian tới, cùng với tuyên truyền, tập huấn cho các HTX…, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. “Huyện sẽ tập trung củng cố lại hoạt động của các HTX đã chuyển đổi, trong đó, phối hợp với Liên minh HTX thành phố và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội phát triển, nâng cao 8 HTX gồm 7 HTX nâng cao và 1 HTX kiểu mẫu. Từ thực tế hoạt động của các HTX, huyện Sóc Sơn cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, vốn vay để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh…”, bà Vi Thị Bình Anh cho biết thêm.

Từ thực tế hoạt động của các HTX tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho hay, huyện sẽ tiếp tục xem xét có chính sách hỗ trợ các HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại để tham gia các hội chợ. Cùng với đó, khuyến khích các HTX thực hiện việc ký kết hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Huyện Sóc Sơn cũng sẽ tạo điều kiện để các HTX được hưởng các chính sách, hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển thêm ngành nghề, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.


H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t