Huyện Hoài Đức cần bố trí nhân lực, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý đất đai (17:24 05/06/2024)


HNP - Ngày 5/6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về thực hiện  các quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND thành phố trong chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện. 

Quang cảnh buổi làm việc


Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, từ năm 2021 đến tháng 4/2024, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 171 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa được Quốc hội và HĐND Thành phố ban hành nghị quyết, với tổng diện tích là 417,72 ha (trong đó có 23 dự án vốn ngoài ngân sách với tổng diện tích đất trồng lúa là 32,58ha; 148 công trình, dự án vốn đầu tư công với diện tích là 385,14ha). 
 
Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố Duy Hoàng Dương trao đổi tại buổi làm việc
 
Kết quả thực hiện từ năm 2021 đến nay, huyện Hoài Đức đã và đang thực hiện thu hồi đất trồng lúa đối với 119/171 dự án (đạt 69,6%) dự án đã được thông qua. Đến nay, đã thực hiện chuyển mục đích đất trồng lúa xong 13 dự án với tổng diện tích 17,96 ha, trong đó, có 2 dự án đấu giá quyền sử dụng đất, diện tích 4,45ha, đã GPMB xong, đã chuyển mục đích và được giao đất; 3 dự án đã và đang thu hồi đất, chưa chuyển mục đích xong.
 
Hàng năm UBND huyện đều ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong đó có nội dung liên quan đến thanh tra, kiểm tra công tác quản lý đất đai. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 4/2024, trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp vi phạm liên quan đến chuyển mục đích đất trồng lúa; việc triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa đảm bảo đúng theo các nghị quyết của Quốc hội, HĐND Thành phố ban hành.
 
Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Phạm Hải Hoa trao đổi tại buổi làm việc
 
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích, huyện Hoài Đức cũng gặp khó khăn, do một số công trình, dự án đã được thông qua danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa, UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, nhưng công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn chậm; dẫn đến kết quả chuyển mục đích đất trồng lúa đạt tỷ lệ thấp hoặc không đảm bảo so với chỉ tiêu được duyệt. Một số vướng mắc, khó khăn khi đăng ký dự án chuyển mục đích đất trồng lúa để thông qua Hội đồng nhân dân phải đảm bảo các quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ: Khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án phát sinh 2 thành phần hồ sơ so với trước đây (phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Do đó, dự án phải thực hiện xong công tác thu hồi đất để xác định chính xác diện tích đất trồng lúa, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa xong mới đủ điều kiện để đăng ký, trình HĐND thông qua nghị quyết làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn đến mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
 
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn đã quan tâm, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, trong đó đề nghị huyện Hoài Đức thông tin về tổng diện tích đất lúa trên địa bàn huyện là bao nhiêu, đến nay khi chuyển đổi mục đích có khó khăn không? Huyện có nhiều dự án nhỏ lẻ, có liên quan đến đất lúa, nằm xen kẹt, thì huyện triển khai như thế nào đối với diện tích đất lúa liền kề, những vướng mắc và phương pháp xử lý? Ngoài hơn 400ha diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích thực hiện dự án, thì có bao nhiêu diện tích đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác? Việc xử lý đất mặt diện tích lúa để thực hiện dự án có những khó khăn gì? Việc việc chuyển đổi nghề cho các hộ gia đình chuyển đổi đất lúa như thế nào?
 
Ủy viên chuyên trách Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố Trần Khánh Hưng trao đổi tại buổi làm việc
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga đánh giá cao việc huyện Hoài Đức đã phối hợp với các sở, ngành của Thành phố chủ động lập danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hàng năm; quan tâm đến bảo đảm chuyển đổi nghề nghiệp, sinh kế cho người dân sau chuyển đổi đất lúa. Đặc biệt, các cấp ủy, HĐND đều quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. 
 
Đồng tình với các hạn chế huyện Hoài Đức nêu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố đề nghị thời gian tới, huyện có các giải pháp để nâng cao chất lượng rà soát, đề xuất danh mục sử dụng đất; làm rõ các nguyên nhân để triển khai thực hiện tốt công tác GPMB, thu hồi các diện tích đất lúa bảo đảm thời gian, tiến độ dự án. Bên cạnh đó, huyện cần bố trí nhân lực, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý đất đai.
 
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung đoàn giám sát quan tâm 
 
Nhấn mạnh thời gian qua, Thành phố rất quan tâm đến 5 huyện đang thực hiện Đề án từ huyện lên quận, bố trí nhiều vốn cho các dự án lớn, vì thế, huyện Hoài Đức thời gian tới cần thúc đẩy tỷ lệ giải ngân các dự án sau khi đã thực hiện thu hồi, GPMB; nâng cao chất lượng lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm; quyết tâm hơn nữa trong thực hiện các dự án đầu tư công; nỗ lực GPMB để thực hiện dự án ngoài ngân sách… như vậy mới thực hiện danh mục chuyển mục đích trồng lúa của HĐND Thành phố và các cấp đạt kết quả cao. 
 
Đối với những khó khăn và kiến nghị huyện nêu, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố sẽ tổng hợp, để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t