Cần tăng cường kiểm tra, quản lý để đưa hoạt động lễ hội vào nề nếp (04:56 17/02/2017)


HNP - Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố vừa có đợt khảo sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội xuân năm 2017 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua khảo sát cho thấy thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý các lễ hội, nhờ đó, các lễ hội đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội đi khảo sát tại Chùa Thầy, Quốc Oai


Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố đã trực tiếp khảo sát thực tế tại 05 lễ hội lớn trên địa bàn Thành phố là Khu di tích lịch sử Đền Và, Chùa Mía (thị xã Sơn Tây); Chùa Thầy (huyện Quốc Oai); Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan (huyện Gia Lâm) và Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ). 
 
Qua khảo sát, Đoàn ghi nhận các cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đều quan tâm chỉ đạo công tác triển khai các lễ hội trên địa bàn. Hầu hết các đơn vị đã xây dựng kế hoạch chung về tổ chức, quản lý lễ hội. Đặc biệt, các lễ hội đã thành lập Ban Tổ chức, đối với những lễ hội quy mô lớn, tổ chức dài ngày có thành lập Ban chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức lễ hội và cử cán bộ chuyên môn tham gia.
 
Đoàn cũng đánh giá cao Sở Văn hóa Thể thao đã sớm ban hành các kế hoạch liên quan đến tổ chức và quản lý lễ hội năm 2017 như Kế hoạch số 4264/KH-SVH&TT ngày 01/12/2016 về tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2017; Kế hoạch số 22/KH-SVH&TT ngày 16/01/2017 về kiểm tra công tác quản lý và tổ chức trước, trong và sau lễ hội trên địa bàn Thành phố xuân Đinh Dậu.
 
Từ việc chỉ đạo bài bản và tích cực trong công tác thanh kiểm tra nên nhìn chung lễ hội Xuân 2017 được diễn ra vui tươi, lành mạnh, đảm bảo đúng quy định. Phần lễ được tổ chức gọn nhẹ, trang nghiêm, tiết kiệm, có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Phần hội, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư, tạo ra những hiệu ứng tích cực trong đoàn kết cộng đồng.
 
Các khu di tích gắn với lễ hội đều có bảng tóm tắt lịch sử, biển hướng dẫn du khách trong khu di tích. Các loại hình hoạt động dịch vụ ăn, nghỉ cho khách hành hương đã được cải tiến và nâng cao chất lượng. Việc đặt tiền lễ đã có chuyển biến, Ban tổ chức lễ hội đã hướng dẫn nhân dân đặt tiền cúng lễ đúng nơi quy định. An ninh trật tự cơ bản được đảm bảo.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, Đoàn cũng thẳng thắn chỉ ra các điểm còn tồn tại cần khắc phục như: Ở một số lễ hội việc tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ còn yếu kém, các dịch vụ hàng quán vẫn bầy bán đan xen trong di tích gây mất mỹ quan và làm ùn tắc giao thông; Hiện tượng cờ bạc dưới hình thức vui chơi có thưởng vẫn còn diễn ra tại một số lễ hội làng.
 
Bên cạnh đó, tại một số lễ hội vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách hàng, nâng giá hàng dịch vụ, trông giữ xe ô tô, xe máy cao hơn so với quy định, tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định, thói quen gài tiền, thả tiền, đốt vàng mã của khách hành hương vẫn diễn ra. Công tác vệ sinh môi trường chưa thực sự đảm bảo, nhiều lễ hội chưa có phương án triệt để hạn chế mất vệ sinh môi trường như: chưa có đủ thùng chứa rác, phế thải; thiếu nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách.
 
Một điều nữa gây ảnh hưởng đến các lễ hội là một bộ phận người dân tham gia lễ hội nhưng thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, một số người dân đã có các hành động tranh giành, cướp lộc gây ra sự phản cảm khiến dư luận không đồng tình (việc cướp lộc tại Đền Sóc, huyện Sóc Sơn; chùa Hương, huyện Mỹ Đức). 
 
Để hình ảnh lễ hội Hà Nội ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách, Đoàn khảo sát đề nghị UBND Thành phố sớm chỉ đạo ban hành quy hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy các di sản văn hóa nói chung và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan đến lễ hội truyền thống nói riêng. Sở Văn hóa và Thể thao cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động lễ hội trên địa bàn Hà Nội; thường xuyên phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn đảm bảo lễ hội Xuân 2017 diễn ra an toàn, hiệu quả tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân vui Xuân. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức lễ hội cho đội ngũ cán bộ cơ sở nâng cao năng lực quản lý, tổ chức, điều hành của Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội đảm bảo các lễ hội diễn ra theo kế hoạch.
 
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã cần thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội, quy định rõ quy mô, chương trình, thời gian tổ chức lễ hội. Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã, trưởng thôn, tổ dân phố, Ban quản lý di tích, người trông coi, chủ trì di tích trong quản lý các hoạt động lễ hội và sinh hoạt tín ngưỡng. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Nhà nước về quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tích cực phối hợp tuyên truyền đến phật tử và nhân dân hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã tại các đình, đền, chùa tránh sự lãng phí....; gắn giá trị văn hóa lịch sử với việc giới thiệu, tôn vinh công trạng các danh nhân được thờ phụng tại di tích.
 
Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình, “thương mại hóa” lễ hội, sắp xếp đồ thờ nội tự đảm bảo theo quy định. Bố trí không gian lễ hội hợp lý, tôn trọng, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách…

Vũ Phong


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t