Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 21/7 đến ngày 28/7/2020 (15:46 29/07/2020)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 21 - 28/7/2020 như sau:

Thành lập, đặt tên 122 thôn, tổ dân phố mới thuộc 15 quận, huyện trên địa bàn Thành phố năm 2020

Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, ngày 07/7/2020, của HĐND Thành phố khóa XV, kỳ họp thứ 15 về việc thành lập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, ngày 27/7/2020, Chủ tịch UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 3284/QĐ-UBND), quyết định:

Điều 1. Thành lập, đặt tên 122 thôn, tổ dân phố mới thuộc 15 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, cụ thể như sau:

1. Quận Ba Đình: Thành lập 01 tổ dân phố mới.

2. Huyện Ba Vì: Thành lập 04 thôn mới.

3. Quận Cầu Giấy: Thành lập 03 tổ dân phố mới.

4. Huyện Chương Mỹ: Thành lập 03 tổ dân phố mới.

5. Huyện Gia Lâm: Thành lập 02 tổ dân phố mới.

6. Quận Hà Đông: Thành lập 10 tổ dân phố mới.

7. Quận Hai Bà Trưng: Thành lập 03 tổ dân phố mới.

8. Huyện Hoài Đức: Thành lập 06 tổ dân phố mới.

9. Quận Hoàng Mai: Thành lập 44 tổ dân phố mới.

10. Quận Long Biên: Thành lập 06 tổ dân phố mới.

11. Huyện Mê Linh: Thành lập 11 thôn mới.

12. Quận Nam Từ Liêm: Thành lập 08 tổ dân phố mới.

13. Quận Tây Hồ: Thành lập 02 tổ dân phố mới.

14. Huyện Thanh Oai: Thành lập 13 thôn, tổ dân phố mới.

15. Huyện Thanh Trì: Thành lập 06 tổ dân phố mới.

Điều 2. Đổi tên 05 tổ dân phố thuộc 02 quận, huyện:

1. Huyện Chương Mỹ: Đổi tên 03 tổ dân phố.

2. Quận Đống Đa: Đổi tên 02 tổ dân phố

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

- Giao UBND các quận, huyện có tên tại Điều 1 và Điều 2 chỉ đạo và hướng dẫn UBND các xã, phường trên địa bàn: phổ biến, quán triệt Quyết định này đến các thôn, tổ dân phố, khu vực dân cư. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện kiện toàn đồng bộ các tổ chức trong hệ thống chính trị đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ phân cấp kinh tế - xã hội, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các trang thiết bị nhà văn hóa, phòng sinh hoạt cộng đồng dân cư của các thôn, tổ dân phố mới được thành lập, đặt tên, đổi tên; công khai địa điểm, quản lý sử dụng nhà văn hóa và các cơ sở vật chất phục vụ nhân dân tại các khu dân cư đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích.

- Giao các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân nơi có thôn, tổ dân phố mới được thành lập, đặt tên, đổi tên.

Kiểm tra công tác CCHC năm 2020 từ tháng 8-12/2020

Thực hiện Quyết định số 7216/QĐ-UBND, ngày 23/12/2019, của UBND Thành phố về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước năm 2020 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2020 (số 155/KH-UBND, ngày 27/7/2020) như sau:

1. Nội dung kiểm tra:

a) Việc triển khai và thực hiện các nhiệm vụ theo, chương trình, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố.

b) Việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC, tập trung những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch CCHC năm 2020 của cơ quan, đơn vị (tính đến thời điểm kiểm tra).

c) Việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ Thành phố giao tại Kế hoạch số 122/KH-UBND về cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2020; Kế hoạch số 123/KH-UBND về tiếp tục duy trì, nâng cao Chỉ số CCHC năm 2020 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 124/KH-UBND về cải thiện, nâng cao Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của thành phố Hà Nội năm 2020 và các năm tiếp theo; Kế hoạch số 134/KH-UBND về Khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố năm 2020.

2. Phương pháp kiểm tra: thông qua 3 hình thức: Kiểm tra qua báo cáo; Kiểm tra trực tiếp (cơ quan, đơn vị chuẩn bị báo cáo, gửi Đoàn kiểm tra trước ngày kiểm tra ít nhất 3 ngày làm việc); Kiểm tra đột xuất, không báo trước tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa phương; các địa điểm giải quyết TTHC, tiếp công dân; các phòng, ban, bộ phận, đơn vị trực thuộc hoặc phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã kiểm tra tại địa điểm khác đối với các nội dung kiểm tra tại Kế hoạch này. Đoàn kiểm tra có thể tái kiểm tra đối với một số cơ quan trong trường hợp cần thiết.

3. Thời gian kiểm tra: Từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020.

4. Đối tượng kiểm tra: các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Tập trung kiểm tra các lĩnh vực có kết quả Chỉ số PAPI, SIPAS thấp như: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính, Thông tin và truyền thông, Giáo dục, Y tế, Tư pháp, Thanh tra,... Căn cứ điều kiện cụ thể, Đoàn kiểm tra có thể điều chỉnh hoặc bổ sung các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra theo Kế hoạch.

Phát 15.200 phiếu khảo sát 4 dịch vụ công: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng; dịch vụ y tế công; dịch vụ giáo dục công của Thành phố năm 2020

Cùng ngày, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND chỉ đạo triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng; dịch vụ y tế công; dịch vụ giáo dục công trên địa bàn Hà Nội năm 2020, cụ thể như sau:

1. Đối tượng khảo sát: Đối với lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng: cá nhân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp thực hiện giao dịch và đã nhận kết quả tại các cơ quan, đơn vị được khảo sát từ ngày 01/01/2020 đến thời điểm khảo sát. Đối với dịch vụ y tế công, giáo dục công: Người dân đã trực tiếp trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục, từ ngày 01/01/2020 đến thời điểm khảo sát.

2. Phạm vi, thời gian khảo sát

a) Phạm vi khảo sát:

- Việc khảo sát được tiến hành trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Địa điểm khảo sát: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Khảo sát tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội và các Chi nhánh đặt trên các quận, huyện, thị xã của Thành phố. Cấp phép xây dựng: Khảo sát tại Bộ phận Một cửa của Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố. Dịch vụ giáo dục công: Khảo sát tại các cơ sở giáo dục công lập của Thành phố. Dịch vụ y tế công: Khảo sát tại các cơ sở y tế công lập của Thành phố.

b) Thời gian khảo sát: Bắt đầu từ tháng 8/2020 và tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/12/2020.

3. Số lượng phiếu khảo sát năm 2020 đối với 04 dịch vụ công: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng; Dịch vụ y tế công; Dịch vụ giáo dục công là: 15.200 phiếu.

Khen thưởng thành tích đột xuất cho cá nhân truy đuổi đối tượng cướp tiệm vàng tại phố Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm

Xét đề nghị của Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 23/7/2020 về việc tặng Bằng khen cho ông Phan Quốc Huy, thường trú tại Tiểu khu 14, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Chỗ ở hiện nay: phường Văn Phú, quận Hà Đông đã có hành động dũng cảm truy đuổi đối tượng trong vụ cướp tiệm vàng tại phố Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (ngày 26/6/2020) (bài viết ngày 28/6/2020, trên báo điện tử An ninh Thủ đô). Mức thưởng cho cá nhân theo Điều 73, Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ. Tiền thưởng được trích từ Quỹ Thi đua - Khen thưởng TP chuyển vào tài khoản của UBND quận Nam Từ Liêm.

Phê duyệt danh sách và kinh phí hơn 7 tỷ đồng để tinh giản biên chế của Thành phố đợt 4 năm 2020

Xét đề nghị của liên Sở: Nội vụ - Tài chính, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3290/QĐ-UBND, ngày 27/7/2020, về việc:

1. Phê duyệt danh sách và kinh phí chi trả cho 60 CC, VC, CB, CC cấp xã, lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, người đã là công chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương được nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014, Nghị định 113/2018/NĐ-CP, ngày 31/8/201,8 của Chính phủ của thành phố Hà Nội đợt 4 năm 2020 với tổng kinh phí: 7.176.012.000 đồng (Bảy tỷ, một trăm bảy mươi sáu triệu, không trăm mười hai ngàn đồng), trong đó:

- Nguồn kinh phí cải cách tiền lương năm 2020 của ngân sách cấp Thành phố là: 263.973.000 đồng.

- Nguồn kinh phí cải cách tiền lương năm 2020 của ngân sách cấp quận, huyện, thị xã là: 6.415.012.000 đồng.

- Nguồn dự toán ngân sách được giao, nguồn thu được để lại sử dụng theo quy định, các nguồn hợp pháp khác của cơ quan, đơn vị; nguồn kinh phí hoạt động của Hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ lương là: 497.027.000 đồng.

2. Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 13/4/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế của thành phố Hà Nội theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ (đợt 3) năm 2020.

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có người được tinh giản biên chế có trách nhiệm tiếp nhận kinh phí ngân sách Thành phố cấp bổ sung; trích kinh phí từ ngân sách quận, huyện, thị xã; sử dụng các nguồn hợp pháp khác của cơ quan, đơn vị; nguồn kinh phí hoạt động của Hội để thực hiện chi trả cho các đối tượng theo đúng chế độ, chính sách; thực hiện thanh quyết toán kinh phí đúng quy định của Nhà nước. Sở Nội vụ, Sở Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng quy định.

Rà soát, bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Thực hiện kết luận chỉ đạo của Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với Huyện ủy Ba Vì, tại văn bản số 3391/UBND-KH&ĐT, ngày 27/7/2020, UBND Thành phố chỉ đạo như sau:

1. Đối với các dự án thuộc Kế hoạch của UBND Thành phố đã được ngân sách Thành phố hỗ trợ UBND các huyện đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2013 - 2015, yêu cầu UBND các huyện khẩn trương quyết toán, bố trí vốn quyết toán từ nguồn ngân sách của huyện để thanh toán dứt điểm phần còn lại cho các nhà thầu, tuyệt đối không để nợ xây dựng cơ bản; hoàn thành, báo cáo UBND Thành phố trước 31/12/2020.

2. Đối với các dự án đã được UBND Thành phố dự kiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 theo Kế hoạch số 138/KH-UBND, ngày 15/7/2016, của UBND Thành phố nhưng chưa được cân đối bố trí vốn để đầu tư, giao Ban Dân tộc Thành phố chủ trì, phối hợp UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và các đơn vị rà soát tổng thể các dự án đã được dự kiến đầu tư theo kế hoạch để xác định các dự án thực sự cần thiết, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đề xuất Thành phố tiếp tục bố trí đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và cập nhật trong kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ; giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tham mưu UBND Thành phố cân đối bố trí vốn cho các dự án theo đúng quy định, đảm bảo phù hợp nguồn lực đầu tư của Thành phố.

Tăng cường giám sát công tác đấu thầu, thi công, đảm bảo an toàn lao động tại các dự án, công trình có quy mô lớn, nơi tập trung đông người trên địa bàn Thành phố

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả điều tra ban đầu vụ sập công trình tại KCN Giang Điền, tỉnh Đồng Nai, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3397/UBND-ĐT, ngày 27/7/2020, yêu cầu các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội; UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây; các Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về đấu thầu, thi công và đảm bảo an toàn lao động tại các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố, nhất là các dự án, công trình có quy mô lớn, nơi tập trung đông người. Trường hợp các chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai đầu tư xây dựng công trình không đảm bảo an toàn, không tuân thủ theo các quy định của pháp luật, nghiêm túc xử lý theo đúng quy định.

Siết chặt quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Bình Thuận, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, UBND Thành phố ban hành văn bản số 3423/UBND-ĐT ngày 28/7/2020 giao Sở Giao thông Vận tải (Cơ quan Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố) chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây và các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện trên; Đặc biệt, lưu ý đến việc chỉ đạo siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm; tiếp tục rà soát, phát hiện và xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên mạng lưới các tuyến đường trên đại bàn Thành phố, ... đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, tạo thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông; đề xuất, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, UBND Thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền.

Công điện khẩn phòng chống dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, ngày 25/7, về công tác phòng chống dịch COVID-19, ngày 26/7/2020, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ sau:

1. Công an Thành phố phối hợp UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, quản lý, giám sát chặt chẽ tất cả những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về đang làm việc và cư trú trên địa bàn; chỉ đạo tổ dân phố, thôn xóm phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, báo cáo chính quyền địa phương để kiểm tra cách ly theo quy định phòng chống dịch COVID-19. Xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép và các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 (nếu có).

2. Tất cả các trụ sở, cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn Thành phố phải có nước sát khuẩn để sát khuẩn tay, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang nơi công cộng, khi tham gia giao thông.

3. Sẵn sàng truy vết triệt để các trường hợp dương tính, xác định những người tiếp xúc (F1, F2) tổ chức cách ly ngay tại nhà, F1 lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức theo dõi y tế theo quy định phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan trong cộng đồng; xét nghiệm ngay các trường hợp nghi ngờ để phát hiện chẩn đoán xác định những trường hợp mắc bệnh; giám sát, quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn Hà Nội.

4. Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, dự phòng hóa chất vật tư tiêu hao để đáp ứng công tác phòng chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu; đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm virut SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần đối với các trường hợp từ nước ngoài nhập cảnh vào Hà Nội; tiếp tục theo dõi y tế tại cộng đồng ít nhất 14 ngày sau thời gian cách ly bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm SARS-Cov-2 một lần nữa trước khi hết thời gian theo dõi y tế, nếu cần thiết xét nghiệm lại sau 1 tháng; giám sát chặt chẽ diễn biến dịch để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Chủ trì, phối hợp Sở Du lịch tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch tại các khu cách ly tập trung (khách sạn, cơ sở lưu trú đã được UBND Thành phố phê duyệt) theo đúng quy định; xử lý nghiêm khách sạn, cơ sở lưu trú không thực hiện đúng quy định về công tác phòng chống dịch COVID-19 (nếu có).

5. Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các cơ sở cách ly tập trung của quân đội quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch tại các khu cách ly tập trung theo đúng quy định. Không được để lây nhiễm chéo dịch bệnh trong các cơ sở cách ly tập trung và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu (nếu có), không để dịch bùng phát, lan rộng

Lũy tích đến ngày 20/7/2020, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.007 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 999 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc gia tăng trong các tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2020. Dự báo, trong thời gian tới số ca mắc có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên. Để tăng cường các biện pháp phòng chống các dịch bệnh trên, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. UBND các quận, huyện, thị xã:

- Thường xuyên tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn (duy trì vào ngày thứ Bảy hàng tuần), với các đơn vị chưa triển khai cần thực hiện ngay trong tháng 07/2020. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh triệt để. Trong các chiến dịch cần có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn và Công an để đảm bảo 100% hộ gia đình được xử lý.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ngay các Đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và Tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết (như đã triển khai năm 2017); tổ chức hoạt động hiệu quả, không hình thức và phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

- Ngoài việc triển khai công tác phòng chống dịch tại khu vực dân cư cần chú trọng đến các khu vực công cộng như tại các cơ quan, công trường, xí nghiệp, nghĩa trang, trường học...; yêu cầu các đơn vị đóng trên địa bàn, đặc biệt là các trường học, công trường xây dựng phối hợp và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chủ động phòng chống dịch bệnh của các đơn vị.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Kiên quyết không để dịch kéo dài, lan rộng.

- Tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng để phòng chống các dịch bệnh, đặc biệt là đối với bệnh bạch hầu. Phát hiện sớm và phải điều trị tích cực, tránh để bệnh lan rộng ra cộng đồng.

- Chỉ đạo ngành Giáo dục của địa phương yêu cầu các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ.. thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, bạch hầu, đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục.

- Giao Phòng Văn hóa và Thông tin tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người tự áp dụng các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết (ngủ màn, diệt muỗi, diệt bọ gậy) và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết. Tại các khu vực đã ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết cần tổ chức họp tổ dân cư để thông báo tình hình dịch và hướng dẫn cho người dân biết cách chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng như: vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ. Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu như: đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; người mắc bệnh phải được đến khám, điều trị và cách ly tại cơ sở y tế; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương; báo cáo tình hình, diễn biến dịch về Sở Y tế (cơ quan thường trực) để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

- Bố trí đủ và kịp thời kinh phí cho phòng, chống dịch (kinh phí từ nguồn phòng chống dịch, kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn lực khác...).

2. Sở Y tế: Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch; xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng. Tổ chức tập huấn giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến. Thực hiện tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu... Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch. Chỉ đạo các tuyến y tế rà soát, tăng cường tiêm chủng các trường hợp chưa được tiêm chủng các dịch bệnh (đặc biệt bệnh bạch hầu). Đảm bảo đủ vắc xin dự phòng đối với từng loại dịch bệnh. Thường xuyên báo cáo, đề xuất UBND Thành phố.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong trường học, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết; Nhà trường phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương phát phiếu điều tra xử lý bọ gậy tại hộ gia đình cho các học sinh để triển khai tại gia đình; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời; thường xuyên tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường tại các trường học. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và bạch hầu trong trường học, lưu ý tăng cường các biện pháp vệ sinh khử khuẩn trường lớp, đảm bảo môi trường thông thoáng, có đủ ánh sáng, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ.

4. Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án về xây dựng trên địa bàn thực hiện tốt công tác vệ sinh tại các công trường lao động và nơi ăn ở sinh hoạt của công nhân. Yêu cầu công nhân phải ngủ màn tránh muỗi đốt và đậy kín các dụng cụ chứa nước, bể chứa nước, không để cho muỗi có nơi sinh sản phát triển lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo, đài của Thành phố phối hợp Sở Y tế chủ động tuyên truyền cách phát hiện và các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh và chủ động phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch cho gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

6. Sở Tài chính: kịp thời tham mưu UBND Thành phố bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các đoàn thể Thành phố tích cực và chủ động cùng chính quyền các cấp, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến truyền tải thông tin về công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu đến với người dân.

Tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2020

Với mục tiêu tập trung tuyên truyền theo chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”; phòng ngừa, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 23/7/2020 chỉ đạo tổ chức Tết Trung thu năm 2020 với các hoạt động chính sau:

1. Tổ chức Trung thu cấp Thành phố: Đêm hội Trăng rằm 2020, dự kiến 20h00, ngày 29/9/2020 (thứ Ba - ngày 13/8 Âm lịch) tại huyện Ba Vì.

2. Hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thường xuyên rà soát, quản lý số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để thiết thực chăm lo cho trẻ nhân dịp Tết Trung thu. Tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà nhân dịp Tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sống tại các Trung tâm, Trường, Làng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Thành phố.

3. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em tại các Trung tâm văn hóa, thể thao và các điểm vui chơi tại cộng đồng, thu hút trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích, lành mạnh và đảm bảo an toàn phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 cũng như thực tế của địa phương/đơn vị. Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu... với nội dung bổ ích, lành mạnh, hình thức phong phú, chú trọng đến các trò chơi dân gian.

4. Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em... Huy động sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và bản thân trẻ em trong thực hiện Quyền và bổn phận của trẻ em.

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sản xuất và cấp phát pano, áp phích, tờ rơi, tài liệu truyền thông... tuyên truyền bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; Đăng tải Thư chúc Tết Trung thu của Chủ tịch nước; thông tin về các hoạt động tổ chức đón Tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn Thành phố.

- Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ/người chăm sóc trẻ về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt trên môi trường mạng.

- Tăng cường truyền thông về số điện thoại của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 và Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội - 0243.525.662 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu cần trợ giúp, bảo vệ trẻ em.

- Biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt nhận đỡ đầu, giúp đỡ, ủng hộ trẻ em sống trong các gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em trong học tập, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, phát triển năng khiếu; tuyên truyền, khuyến khích trẻ em chơi các đồ chơi tư tạo, đồ chơi sản xuất trong nước, không mua đồ chơi mang tính chất bạo lực, không phù hợp với trẻ em.

5. Huy động nguồn lực xã hội: Tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để hỗ trợ, chăm lo, tổ chức các hoạt động nhân dịp Tết Trung thu như tổ chức Đêm Trung thu, thăm tặng quà, trao học bổng, nhận đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và trao tặng trang thiết bị vui chơi cho trẻ em tại các vùng khó khăn nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em được vui Tết Trung thu.

6. Hoạt động thanh tra, kiểm tra: Tăng cường công tác thanh kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt thực phẩm phục vụ Tết Trung thu; ngăn chặn và xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định pháp luật việc kinh doanh các văn hóa phẩm, các sản phẩm, đồ chơi, trò chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, có tính chất bạo lực, kích động, phản giáo dục không phù hợp lứa tuổi trẻ em hoặc chứa chất độc hại, gây nguy hiểm cho trẻ em. Nắm bắt tình hình, phát hiện và tập trung giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trẻ em bị bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em, đồng thời, xem xét kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND Thành phố tiếp 28 lượt (97 công dân), nhận 49 đơn trong tháng 7/2020

Ngày 21/7/2020, tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố (34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông), lãnh đạo UBND Thành phố đã chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 07 năm 2020 theo quy định của Luật Tiếp công dân. Kết thúc ngày làm việc, các đồng chí chủ trì đã tiếp 28 lượt (97 người) là công dân các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh và Đan Phượng; có 05 đoàn khiếu kiện đông người: Đoàn 15 công dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; đoàn 10 công dân xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn; đoàn 15 công dân tổ 30, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai; đoàn 10 công dân đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và đoàn 20 công dân Bằng B, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, nhận 49 đơn. Căn cứ vào nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, các đồng chí chủ trì buổi tiếp yêu cầu:

1. Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã:

- Tập trung xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố (có văn bản chỉ đạo riêng đối với từng vụ việc). Đối với các vụ khiếu kiện đông người, cần tập trung rà soát, tổ chức tiếp, đối thoại với công dân, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, không để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp, kéo dài; kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng; đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

 - Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo kết quả giải quyết các vụ việc đã có ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố tại các buổi tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo quy định.

2. Giao Ban Tiếp công dân Thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện, tổng hợp kết quả giải quyết, báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố để phục vụ buổi tiếp công dân của Lãnh đạo UBND Thành phố vào thứ Ba, tuần 3, ngày 18/8/2020.


Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t