Hà Nội: Bảo vệ, phát triển rừng vì mục tiêu bền vững (12:59 15/05/2023)


HNP - Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Từ đây, lực lượng Kiểm lâm Việt Nam chính thức ra đời. Cùng với cả nước, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã không ngừng phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đó là bảo vệ, phát triển rừng vì mục tiêu bền vững. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2023), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Lê Minh Tuyên đã có cuộc trao đổi về chặng đường phát triển của đơn vị.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên


- Thưa ông, trong chặng đường 50 năm qua, nhiều người cho rằng mỗi tấc đất trên những cánh rừng của Thủ đô đã in hằn dấu chân của những người lính mang “lâm hàm xanh” Hà Nội?
 
- Chi cục Kiểm lâm nhân dân Hà Tây (cũ) được thành lập ngày 2/2/1974. Còn Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (cũ) được thành lập ngày 14/8/1979. Trong giai đoạn 1973-2008, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (cũ) và Chi cục Kiểm lâm Hà Tây (cũ) thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh Hà Tây (cũ) và của thành phố Hà Nội (cũ).
 
Nhìn lại những năm đầu thành lập, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội phần lớn chưa được đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành, nhưng bù lại họ đều là cán bộ dày dạn kinh nghiệm, từng rèn luyện thử thách gian nan trong chiến tranh và trên hết trong mỗi cán bộ đều tràn đầy khát vọng, nhiệt huyết tình yêu bảo vệ và phát triển rừng. Ở tất cả các địa phương có rừng, như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây, những cánh rừng một thời đã in hằn dấu chân của những người lính mang “lâm hàm xanh” của tỉnh Hà Tây (cũ) và thành phố Hà Nội (cũ). Họ đã vươn lên tất cả mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
 
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, toàn bộ tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Yên Bình, Yên Trung, Đông Xuân, Tiến Xuân (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sát nhập vào thành phố Hà Nội. Cụ thể hóa chỉ đạo của trung ương và thành phố Hà Nội, ngày 7/11/2008, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Chi cục Kiểm lâm Hà Tây (cũ) và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (cũ) đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản… Hiện nay, bộ máy tổ chức của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có 5 phòng chuyên môn, 14 đơn vị hành chính trực thuộc và 191 cán bộ công chức, người lao động.
 
Có thể nói, với những giai đoạn khác nhau về thể chế quản lý, nhưng trong 50 năm qua, lực lượng Kiểm lâm Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, gian khổ, phấn đấu xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh, thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, góp phần đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
 
- Thưa ông, trong tình hình mới, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã triển khai những nhiệm vụ gì để xứng đáng với niềm tin của nhân dân Thủ đô?
 
- Hà Nội có hơn 27.100ha rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích rừng ở Hà Nội không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Rừng của Hà Nội là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động thực vật phong phú; lưu giữ những phong tục tập quán, những kiến thức bản địa nghìn năm văn hiến; bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh góp phần hình thành và gìn giữ nhân cách thanh lịch, tôn trọng lịch sử và có trách nhiệm với tương lai của người dân Thủ đô. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống, nhiều cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, gây nuôi phát triển động vật hoang dã, nhiều dịch vụ có sản phẩm liên quan đến tài nguyên rừng. Vì vậy, việc giữ rừng phòng hộ, đặc dụng, phát triển rừng sản xuất gắn với bảo vệ sinh thái, góp phần thúc đẩy đời sống của người dân là rất cần thiết. Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài cho mục tiêu phát triển bền vững.
 
Lực lượng kiểm lâm các địa phương tuần tra chung góp phần quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả
 
Những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt. Xác định rõ tầm quan trọng, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND thành phố và Sở NN&PTNT ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững, như: Quy hoạch 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất); Chiến lược phát triển lâm nghiệp; Chiến lược quản lý cháy rừng; Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học, Kế hoạch hành động chống buôn bán trái phép động vật rừng… Đặc biệt, năm 2018, Chi cục đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu UBND thành phố để Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo...
 
Cùng với việc làm tốt công tác phối hợp với các cấp, ngành và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh với Hà Nội về công tác quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội còn không ngừng củng cố, quy hoạch, kiện toàn lực lượng bảo vệ và phát triển rừng có năng lực, trình độ cao. Vì thế, đến nay, có thể nói rằng, nguồn lực của Chi cục được đánh giá có chất lượng, không những đảm đương tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng mà còn làm tốt các lĩnh vực khác như quản lý môi trường, đa dạng sinh học, công tác thừa hành pháp luật…
 
- Bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của mọi cơ quan tổ chức, hộ gia đình, vậy thành phố đã triển khai những hoạt động gì để nâng cao hiệu quả công tác này, thưa ông?
 
- Để bảo đảm an toàn cho các diện tích rừng tự nhiên trong bối cảnh còn nhiều áp lực như hiện nay là điều không dễ dàng. Vì thế, trong thời gian qua, bên cạnh thường xuyên củng cố mạng lưới tuần tra, kiểm soát lâm sản, thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, chúng tôi còn phối hợp triển khai nhiều hoạt động. Một trong những hoạt động nổi bật được Bộ NN&PTNT và thành phố đánh giá rất cao đó là, chúng tôi đã tăng cường tập huấn bảo vệ rừng; diễn tập chữa cháy rừng cấp xã; phát hành tờ rơi tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng cho người dân 7 huyện, thị xã có rừng… Lực lượng bảo vệ rừng cũng được bố trí đủ ở 4 cấp, từ thành phố xuống tận thôn, bản có rừng. Đến nay đã thành lập được 61 ban chỉ đạo, ban chỉ huy bảo vệ rừng các cấp và các xã thành lập được 117 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng... Về cơ sở vật chất, Chi cục đã xây dựng 21 chòi canh lửa rừng, 8 bể chứa nước chữa cháy rừng, 35km đường ô tô phục vụ chữa cháy; 20 máy bơm công suất lớn và hàng nghìn thiết bị chữa cháy khác. Triển khai nhiệm vụ phát triển rừng, từ năm 2008 đến nay, Chi cục triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế được 180ha, trồng mới 1.000ha rừng, chăm sóc 3.535ha rừng, khoán bảo vệ 6.500ha rừng/năm…
 
Lực lượng kiểm lâm rà soát cây rừng tại rừng phòng hộ Sóc Sơn
 
Thực hiện chiến lược phát triển rừng những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định ở mức 5,67-6,2%, chúng tôi đã tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thị xã có rừng thực hiện quyết liệt công tác rà soát, đo đạc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng ngoài thực địa, quản lý rừng và đất lâm nghiệp của thành phố trên hệ thống số hóa. Thực hiện tốt phương án quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng bền vững kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm. Chúng tôi cũng tham mưu các cấp, các ngành chú trọng và tăng cường công tác tham mưu thành phố cơ chế, chính sách để thực hiện xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng; xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ rừng, các ngành chức năng; xây dựng lực lượng bảo vệ rừng sâu rộng theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở…
 
- Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, để làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì trong thời gian tới để gia tăng giá trị, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng bền vững, thưa ông?
 
- Như đã nói ở trên, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý về bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng. Chúng tôi cũng tích cực tham mưu để tổ chức, xây dựng và quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo hướng bền vững. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
 
Song song đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ công chức và người lao động của Chi cục. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật cho cán bộ công chức bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về quản lý bảo vệ rừng, quản lý kinh doanh chế biến lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng trong tình hình mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai tới các địa phương trồng rừng tập trung bình quân 150ha/năm, chăm sóc rừng trồng 2.400ha/năm, khoanh nuôi tái sinh 200ha/năm, trồng 300.000 cây phân tán/năm…
 
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng tôi có thể khẳng định lực lượng Kiểm lâm Thủ đô đã thực sự trưởng thành vượt bậc. Minh chứng đó là Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2018; Chính phủ tặng 2 Bằng khen, 2 Cờ thi đua; Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 73 tập thể, 83 cá nhân; Sở NN&PTNT Hà Nội đã khen thưởng 1.065 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong 15 năm qua.
 
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam, tôi xin được cám ơn toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội qua nhiều thế hệ và gia đình của các đồng chí vì đã có đóng góp không nhỏ và sự nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để cho những cánh rừng của Hà Nội hôm nay mãi mãi xanh tươi.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t