Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 120 nghìn tấn (19:13 03/08/2020)


HNP - Đây là kết quả của những nỗ lực trong cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản của thành phố Hà Nội trong phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản, Sở NN&PTNT cùng với các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp là đạt được những kết quả bước đầu. Trong đó, giai đoạn 2017-2020, tăng trưởng lĩnh vực thủy sản là gần 7%/năm (diện tích tăng 3,35% so với năm 2017, sản lượng tăng 20,4% so với năm 2017). Trên địa bàn thành phố đa hình thành 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn ở các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Trì... với tổng diện tích trên 7.229ha, năng suất đạt 10 - 12 tấn/ha/năm.

Điểm nổi bật trong cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản là cơ cấu giống nuôi thả tập trung đối tượng chủ lực có giá trị cao, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định được phát triển gồm: Rô phi, chép lai, trắm cỏ và một số thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện môi trường, thời tiết của thành phố, giảm dần các đối tượng có giá trị thấp như cá mè, cá trôi…

Thông qua việc cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản, các ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng được đẩy mạnh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có khoảng 9.700ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước vào nuôi trồng thủy sản và các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc tại các huyện Ba Vì, Ứng Hòa và xu hướng ngày càng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ sinh học để hạn chế thay nước, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 35,88ha diện tích mặt nước và 7.631m3 lồng (22 hộ nuôi thủy sản) đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, giai đoạn 2017 - 2020, lĩnh vực thủy sản có sự tăng trưởng về sản lượng thủy sản nuôi trồng mặc dù diện tích tăng không đáng kể. Cơ cấu giống nuôi thả tập trung phát triển một số có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện môi trường, thời tiết của thành phố như: Cá rô phi, chép, trắm cỏ, thủy đặc sản, đồng thời, giảm dần các đối tượng có giá trị thấp. Kết quả phát triển thủy sản tính đến hết năm 2020, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản của thành phố ước đạt 24.000ha (chiếm 77,8% diện tích tiềm năng, tăng 3,35% so với năm 2017); sản lượng ước đạt 120 nghìn tấn, tăng 20,4% so với năm 2017; năng suất bình quân 5,4 tấn/ha; riêng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung năng suất đạt 10 - 12 tấn/ha.

Về cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Toàn thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân khoảng 7-8%/năm. Duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản từ 22.500 đến 24.000ha. Phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm; duy trì mức tăng trưởng lĩnh vực thủy sản bình quân 7-8%/năm.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t