Chủ động trong công tác phòng chống dịch, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân (09:09 26/11/2019)


HNP - Trong những năm vừa qua, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, những bệnh lưu hành như Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Cúm, Sởi…có xu hướng gia tăng; những dịch bệnh mới nổi như Mers-CoV, Eboloa, bệnh do virut Zika… luôn thường trực nguy cơ xâm nhập. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp và sự quyết liệt của ngành y tế nên các loại dịch bệnh đều được phát hiện và xử lý kịp thời, dịch bệnh không bùng phát. Hầu hết các loại dịch bệnh có số ca mắc giảm dần theo các năm và đặc biệt là hạn chế được ca bệnh tử vong.

Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh trên địa bàn thành phố thường cao hơn so với chỉ tiêu của Quốc gia. Năm 2018 và 2019, đã tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Sởi-Rubella cho toàn bộ trẻ em từ 1-5 tuổi trên địa bàn TP với tỷ lệ tiêm đạt 97,36%. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức tiêm chủng hàng tuần tại các Trạm y tế nhằm làm tăng khả năng tiếp cận với việc tiêm chủng cho người dân trên địa bàn, đồng thời, đã triển khai quản lý dữ liệu tiêm chủng bằng hệ thống phần mềm thông tin tiêm chủng quốc gia theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế ở 100% xã, phường, thị trấn.

Trong công tác phòng chống HIV/AIDS, Sở đã duy trì triển khai các hoạt động giám sát và tổ chức giám sát trọng điểm. Năm 2018, đã xét nghiệm cho 234.614 trường hợp, trong đó, 139.848 trường hợp xét nghiệm tại bệnh viện tuyến Thành phố; 94.766 trường hợp được xét nghiệm tại bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã và TTYT quận, huyện, thị xã. Tổng số đã phát hiện 1.607 trường hợp HIV dương tính, duy trì hoạt động 18 cơ sở điều trị Methadone; chủ động nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV tại 22 phòng khám ngoại trú. Bên cạnh đó, ngành y tế đã chủ động triển khai phòng chống các bệnh không lây nhiễm trong mô hình Trạm y tế theo nguyên lý gia đình; Duy trì hệ thống giám sát bệnh không lây nhiễm tại tất cả các tuyến.

Giai đoạn 2016-2017, chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng cao; đẩy mạnh phát triển kỹ thuật mới tại các tuyến điều trị trong ngành, đặc biệt tại các bệnh viện hạng I. Đồng thời, cải tiến quy trình khám chữa bệnh tại Khoa Khám bệnh các bệnh viện như: Cải thiện các hoạt động bộ phận tiếp đón, hướng dẫn người bệnh, tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ người bệnh, áp dụng CNTT trong quy trình khám bệnh và kết nối thanh toán BHYT, triển khai đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh qua điện thoại tại một số bệnh viện. Đặc biệt, đã phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện trung ương và các nước trong khu vực.

Hàng năm, các bệnh viện công lập đã KCB cho khoảng 5.000.000-6.500.000 lượt người. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú hàng năm gần 600.000 lượt người. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến Thành phố với 27 chuyên khoa đầu ngành với nhiều kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng cao đang được áp dụng hiệu quả và trở thành các kỹ thuật thường quy. Một số bệnh viện đã chủ động đi đầu ứng dụng phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Năm 2018, các chỉ tiêu KCB đều đạt và vượt kế hoạch, số lượt khám bệnh là 6.679.853 lượt, tăng 4,5% so với năm 2017; 767.419 người bệnh điều trị nội trú, tăng 6,4; 144.539 ca phẫu thuật, tăng 4,5%. Đồng thời, triển khai đồng bộ chất lượng KCB, cải cách TTHC, cải tiến quy trình từ khâu đón tiếp, khám bệnh, xét nghiệm, thanh toán…rút ngắn thời gian chờ khám và làm các thủ tục cho người bệnh. Các bệnh viện tuyến Thành phố đến tuyến huyện tăng cường phát triển kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới trong chuẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với bệnh viện Trung ương, trong đó, một số lĩnh vực là thế mạnh của y tế Hà Nội: Sản phụ khoa, Tim mạch, Ung bướu, Phẫu thuật tạo hình, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng… Ngoài ra, các bệnh viện còn đẩy mạnh hợp tác trao đổi chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2019, kế hoạch tổng số giường bệnh trên địa bàn TP là 12.685 giường, tăng thêm 420 giường so với năm 2018. Thực tế, số giường thực kê là 15.062 giường, tăng thêm 1.218 giường so với năm 2018. Đến nay, cơ bản không còn tình trạng quá tải và nằm ghép, chỉ xảy ra cục bộ tại một số khoa của một số bệnh viện Thành phố và ở những thời điểm khác nhau.

Nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, năm 2018, Sở Y tế đã thực hiện khảo sát sự hài lòng ở 67 bệnh viện trong và ngoài ngành. Kết quả, người bệnh ngoại trú: Hài lòng và rất hài lòng 92,7%. Người bệnh nội trú: Hài lòng và rất hài lòng 95,18%. Cùng với đó, ngành đã đẩy mạnh CCHC, cải tiến khoa khám bệnh; triển khai vệ sinh, bệnh viện Xanh-Sạch-Đẹp. Đặc biệt là phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương.

Thực hiện mô hình bác sỹ gia đình, năm 2018, ngành y tế đã triển khai xây dựng 4 trạm y tế điểm trong tổng số 26 trạm y tế điểm của cả nước. Đối với các phòng khám đa hoa khu vực và trạm y tế thực hiện lồng ghép mô hình bác sĩ gia đình quản lý bệnh không lây nhiễm, người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại tuyến cơ sở. Hiện nay, tại các tuyến các phòng khám đa khoa và trạm y tế đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu 1,9 triệu người (29%) thẻ BHYT với lượt khám tại Phòng khám đa khoa và Trạm y tế 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 2,7 triệu lượt, chiếm gần 30% tổng lượt khám chung trên toàn hệ thống. Hiện có 440/584 (75,3%) trạm y tế thực hiện KCB ban đầu BHYT. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT tại các xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 86,7% và tiếp tục đạt mục tiêu đến năm 20202, tỷ lệ bao phủ BHYT là 90,1%. Tính đến hết 15-9-2019, đã có 120 (20,54%) trạm y tế triển khai theo mô hình bác sĩ gia đình. Đã có 180.000 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực của Trung tâm.

Đáng chú ý, từ năm 2017, Thành phố Hà Nội đã tổ chức quản lý sức khỏe cho người dân.Người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, việc tổ chức quản lý sức khỏe do các trạm y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã, phường tổ chức thực hiện. Đến nay, đã có 6.235.050 (82%) người dân được lập hồ sơ sức khỏe.

Thời gian tới, ngành y tế Hà Nội sẽ chủ động lãnh đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công tác dự báo dịch, kiểm soát dịch bệnh, ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch lớn xảy ra. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tập trung các hoạt động nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Chủ động phối hợp với các bệnh viện của Trung ương trên địa bàn để củng cố phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, hoàn thành chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Năm 2019, phấn đấu đạt 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.


Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t