Hiệu quả bước đầu mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa (09:47 02/08/2017)


HNP - Những năm gần đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tích cực áp dụng cơ giới hóa đồng bộ (CGHĐB) trong sản xuất lúa, nhờ đó năng suất, chất lượng lúa gạo của thành phố tăng lên rõ rệt, đồng thời, nông dân được giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập.

Nông dân xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức sử dụng máy máy liên hợp, vừa gặt vừa tuốt và đóng bao nên sức người giảm hẳn


Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX). Vì vậy, cùng với chính sách hỗ trợ của thành phố và Sở NN&PTNT, các huyện, thị xã cần có cơ chế riêng khuyến khích nông dân áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa. Trong thời gian vừa qua, Trung tâm khuyến nông đã tổ chức 11 lớp tập huấn chuyên sâu cho 192 kỹ thuật viên cơ sở ở 16 huyện, trong đó tuyên truyền về công tác quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp. Tổ chức đoàn cán bộ đi thăm quan học tập tại các tỉnh thành khác về cơ chế chính sách, các mô hình điển hình về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. 
 
Đặc biệt nhiều hội thảo chuyên đề về sản xuất mạ khay, máy cấy được các chuyên gia đến hướng dẫn và chuyển giao công nghệ. Trung tâm khuyến nông cũng đứng ra tổ chức giới thiệu máy móc, thiết bị cơ giới hóa của các hãng sản xuất trên thế giới. Đặc biệt, Trung tâm khuyến nông phối hợp với các huyện thị xã tổ chức cho các hộ liên kết phá bờ thửa tạo vùng sản xuất tập trung đưa cơ giới hóa vào sản xuất; phát huy vai trò dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp trong tổ chức sản xuất.
 
Bằng việc xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa mới kết hợp áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giúp nông dân các huyện ngoại thành giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất lúa. Đánh giá hiệu quả cho thấy, các mô hình sau áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã góp phần làm tăng năng suất lúa từ 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất từ 30 - 50% (tương đương 7 - 9 triệu đồng/ha) so với sản xuất lúa theo phương thức thủ công. 
 
Mặt khác, thời gian lao động được rút ngắn, lao động dôi dư chuyển sang làm việc khác tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân. Chỉ tính riêng vụ Xuân 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các HTX của 8 huyện mua 7 máy gặt đập liên hợp, 4 máy cấy và 3 dây chuyền gieo mạ khay tự động. Theo đó, các HTX đều lựa chọn mua máy của hãng Kubota - Nhật Bản nên máy hoạt động tốt, đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ.
 
Xã Tân Hội, huyện Đan Phượng là một trong những địa phương thí điểm mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa vụ Xuân 2017. Xuất phát từ tình hình thực tế, nhiều lao động chuyển đổi nghề từ nông dân sang làm công nghiệp, dịch vụ, đi lao động nước ngoài gây thiếu hụt nguồn nhân công lao động trong sản xuất nông nghiệp. Từ đầu năm 2017, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã triển khai thí điểm mô hình cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa vụ xuân 2017 trên diện tích gần 3ha tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. 
 
Nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã làm năng suất bình quân của xã đạt 55,5 tạ/ha. Ông Nguyễn Quý Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội, huyện Đan Phượng cho biết: việc áp dụng thành công mô hình cơ giới hóa đồng bộ sẽ từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống của người dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại, giảm chi phí và sức lao động, đồng thời tăng năng suất lao động và thu nhập. Thực hiện thành công mô hình sẽ khai thác được tiềm năng đất đai, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, khắc phục được tình trạng bỏ ruộng hoang trên địa bàn xã.
 
Lợi ích mà CGHĐB trong sản xuất lúa mang lại đã rõ rệt song thực tế việc áp dụng đang gặp một số khó khăn nhất định. Theo bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện nay, vẫn còn tình trạng hạ tầng giao thông nội đồng một số nơi xuống cấp, bờ vùng bờ thửa còn nhỏ, ruộng đất manh mún nên chưa phát huy được hết hiệu quả của máy. Đáng nói, một số HTX chưa có kinh nghiệm trong điều hành sản xuất theo phương thức CGHĐB và cũng chưa bố trí được quỹ đất làm dịch vụ mạ khay nên việc mở rộng diện tích sản xuất còn hạn chế. Trong khi đó, đội ngũ nhân lực vận hành máy hầu hết đều chưa qua đào tạo nên khi gặp sự cố về máy móc không được khắc phục kịp thời đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa là yếu tố cần thiết phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thời gian qua, TP rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có cơ chế hỗ trợ nông dân, HTX 50% chi phí mua máy, thiết bị (nhưng không quá 75 triệu đồng/máy). Tuy nhiên, với mức hỗ trợ nêu trên không ít HTX vẫn phải loay hoay với việc hạch toán kinh tế khi đầu tư vào dịch vụ CGH bởi giá trị mua máy cao mà khấu hao máy lớn. Do đó, để nông dân, HTX mạnh dạn áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa, Sở đang kiến nghị TP sớm xem xét việc tăng mức hỗ trợ kinh phí mua máy móc và bổ sung mức hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành sản xuất.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t