Hà Nội ghi nhận gần 1,3 nghìn ca mắc sốt xuất huyết (05:57 07/06/2017)


HNP - Đó là thông tin được Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ, do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, chiều 6/6.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh thông tin tại hội nghị


Theo đó, tính đến ngày 4/6/2017, trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 126 bệnh nhân đang điều trị, ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 481 trường hợp, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016. 
 
Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, bệnh nhân mắc sốt huyết phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây), 224 xã, phường, thị trấn (chiếm 38% số xã, phường, thị trấn của Thành phố). Các đơn vị có số mắc cao tập trung chủ yếu ở các quận nội thành: Đống Đa 372 trường hợp, Hoàng Mai 253 trường hợp, Hai Bà Trưng 111 trường hợp, Thanh Xuân 84 trường hợp… Bệnh nhân ghi nhận rải rác trong các tháng, nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do thời tiết chuyển biến nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền bệnh.
 
Cùng với bệnh sốt xuất huyết, Hà Nội ghi nhận 84 trường hợp sốt phát ban dạng sởi; 77 trường hợp mắc ho gà, 1 tử vong tại quận Tây Hồ; 60 trường hợp mắc tay chân miệng; 6 trường hợp mắc liên cầu lợn; 3 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản; 2 người tử vong do dại. Hà Nội chưa ghi nhận bệnh nhân tả, thương hàn, bệnh do vi rút Zika, cúm A H5N1, cúm A H7N9 và các dịch bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV…
 
Phó Giám đốc Hoàng Đức Hạnh nhận định, đối với bệnh sốt xuất huyết, thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và bệnh chưa có vắc xin phòng đặc hiệu nên có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. Theo dự báo thường xuất hiện đỉnh dịch vào khoảng tháng 9 - 11 hàng năm.
 
Trước tình hình đó, ngành Y tế đã triển khai một số biện pháp phòng chống, như tổ chức giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch. Tính đến ngày 4/6, toàn TP đã giám sát tại gần 2 nghìn ổ dịch cũ, ổ dịch mới, nơi có bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết và các nơi có điều kiện vệ sinh kém; triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết đợt 1, kết quả đã có hơn 796 nghìn hộ gia đình được kiểm tra, loại bỏ gần 78 nghìn ổ bọ gậy, thả gần 80 nghìn con cá và nhiều hóa chất để diệt muỗi, bọ gậy…
 
Để phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, thời gian tới, Hà Nội tập trung thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ…). Đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng chống dịch sốt xuất: tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu không để cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nơi cư trú, sinh sản…
 
Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin về các bệnh dịch nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập tại các nước trong khu vực và trên thế giới; chủ động công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố để ứng phó có hiệu qủa trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch…
 
Quan trọng hơn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, công tác phòng, chống dịch không thể thiếu sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở và các hộ gia đình, cá nhân trong việc tích cực, chủ động diệt muỗi, bọ gậy để hạn chế nguồn lây, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác vệ sinh phòng dịch.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t