Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội chất vấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (11:24 09/12/2021)


HNP - Sáng 9/12, tại Kỳ họp thứ Ba, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên chất vấn


Tại phiên chất vấn, gửi câu hỏi tới Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ ĐB Tây Hồ) đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết dự báo dịch bệnh diễn ra tại Thủ đô, trong đó có biến chủng mới trong thời gian tới. Ngoài ra, ngành y tế có giải kiểm soát dịch bệnh thế nào hiệu quả? Giải pháp kiểm soát F1, điều trị F0 tại nhà, cung cấp thuốc cho F0, phân tầng điều trị thế nào cho hợp lý để tránh gây quá tải cho tuyến trên?
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình nêu câu hỏi chất vấn
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Từ 11/10, số ca mắc tăng cao và với tình hình này có thể lên tới 1.000 ca/ngày. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.
 
Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin 2 mũi hiện nay tại Hà Nội trên 95%, nên dù số ca mắc tăng cao, nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở. Với quyết tâm tập trung của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã chủ động, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
 
Biến chủng mới Omicron xuất hiện ở Nam Phi, đã ghi nhận ở nhiều nước, có khả năng lây lan cao hơn Delta. Theo WHO, vắc xin có thể bảo vệ được người dân đã tiêm chủng trước biến chủng này. Dù chưa ghi nhận trong cộng đồng, nhưng Hà Nội luôn chủ động, tăng cường cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế; chỉ đạo CDC giải trình gen những trường hợp nghi ngờ; kiến nghị dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến chủng này.
 
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời tại phiên chất vấn
 
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã có giải pháp cụ thể, các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Với ngành y tế, tiếp tục kiên định điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giảm tải cho tuyến trên.
 
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện tiêm phòng vắc xin cho những người chưa đủ 2 mũi, có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ vắc xin của Bộ Y tế; ứng dụng CNTT trong công tác xét nghiệm, quản lý F0, F1, không chủ quan lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ. Ngành y tế luôn cập nhật, theo dõi, cập nhật thông tin F0 trên phần mềm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp.
 
Đặt câu hỏi với Giám đốc Sở GD&ĐT về việc nhiều phụ huynh còn băn khoăn về rà soát, kiểm tra các tiêu chí an toàn khi cho học sinh đi học trở lại, trong khi nhiều trường ở huyện còn thiếu nhân viên y tế, đại biểu Nguyễn Vũ Bích Hiền đề nghị Sở cho biết ý kiến về việc này và giải pháp khắc phục? 
 
Đại biểu Nguyễn Vũ Bích Hiền nêu câu hỏi chất vấn
 
Cùng chất vấn về lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức dạy và học trực tuyến kéo dài đã nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học cũng như cần sự giám sát. Vậy đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài?
 
Trả lời chất vấn nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12 trên địa bàn TP, đến nay, đã có 64 ngàn học sinh khối lớp 9 và 12 đi học đảm bảo an toàn. 
 
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT xác định vừa tổ chức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi. Chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh. Quản lý chặt chẽ kỷ luật nề nếp học tập của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học. 
 
Về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, sẽ có 10 nghìn học sinh được trang bị thiết bị học tập online. Hiện nay, TP đã trao được hơn 7 nghìn thiết bị học tập cho các em. Sở và các nhà mạng đã lắp đặt mạng Internet tại hơn 100 thôn, làng, bản. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết, hiện nay, Sở đang tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên để nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến. 
 
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương trả lời tại phiên chất vấn
 
Về việc thiếu nhân viên y tế trong trường học, ông Trần Thế Cương cho biết, theo số liệu thống kê, toàn TP thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối THCS thiếu 88 người. Do từ năm 2015, Thành phố tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế tại trường học công lập. Qua quá trình khảo sát, Sở thấy rằng công tác y tế trong trường học rất quan trọng, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương đề xuất tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. 
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức về đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường học, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết Sở đã phối hợp với Sở Y tế ban hành tiêu chí an toàn trường học để xác định rõ “an toàn trường học”, trong đó, đảm bảo một cung đường 2 điểm đến, không tổ chức ăn bán trú, giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được dạy học trực tiếp. 
 
Ông Trần Thế Cương cũng cho biết, với khối lớp 12, tùy theo từng cấp độ dịch ở các phường mà có phương án cho học sinh quay lại trường học. Giám đốc Sở GD&ĐT mong muốn phụ huynh và giáo viên quan tâm thường xuyên nhắc nhở học sinh tự giác phòng dịch.
 
Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao nêu câu hỏi chất vấn
 
Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao đề nghị Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết về tồn tại vi phạm quy tắc phòng chống dịch như quán hát karaoke mở chui, hàng quán còn mở cửa sau 21h... dù đã xử lý kịp thời nhưng còn gây bức xúc trong người dân?
 
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, cùng với Thành phố, quận Cầu Giấy cũng hết sức nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng có một số việc như báo chí đã nêu. Về vấn đề quản lý các quán Karaoke, Quận đã rất nỗ lực để giảm số lượng quán karaoke từ năm 2016 đến nay. Đồng thời, đang áp dụng các phương pháp như: Kiểm tra thực tế thường xuyên, liên tục, nhờ nhân dân phản ánh và báo chí cung cấp thông tin.
 
Với những phản ánh về tình hình nhà hàng ăn uống trên địa bàn quận, Chủ tịch UBND quận cho biết, sẽ quyết tâm xử lý bằng được để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. 
 
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy trả lời tại phiên chất vấn
 
Thông tin về nội dung chất vấn này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian qua, Thành phố luôn kiên định chủ trương vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các đối tượng khó khăn, trong đó, có các giáo viên mầm non ngoài công lập. Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND, ngày 21/7/2021, về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, quy định rõ các mức hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó, có các giáo viên mầm non ngoài công lập đang phải tạm nghỉ việc. Đối với chính sách này, toàn Thành phố đã hỗ trợ cho 9.535 người với số kinh phí chi trả gần 25,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy cũng ban hành các chính sách hỗ trợ các đối tượng lao động đặc thù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, với 15.653 người được hỗ trợ với tổng kinh phí là 25,43 tỷ đồng. Ngoài các chính sách của Thành phố thì công đoàn ngành giáo dục, các quận/huyện cũng như các nhà đầu tư các trường mầm non vẫn có những hỗ trợ với các giáo viên mầm non ngoài công lập.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng thông tin tại phiên chất vấn
 
Để bảo đảm chính sách an sinh xã hội thời gian tới, trong đó, có đối tượng giáo viên mầm non khi đang phải nghỉ dạy học hơn 7 tháng, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội để người lao động giảm bớt khó khăn. UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát để bổ sung cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ riêng với giáo viên mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các đối tượng đang đóng bảo hiểm bắt buộc nhưng phải tạm hoãn.
 
Về vấn đề các cơ chế huy động nguồn lực gồm nhân viên y tế nghỉ hưu, sinh viên các trường y, lực lượng y tế tư nhân… tham gia chống dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian qua, lực lượng này đã có nhiều đóng góp vào công tác phòng, chống dịch, Thành phố đã xây dựng các cơ chế để hỗ trợ các lực lượng này với các mức hỗ trợ cụ thể theo từng ngày trực.
 
Kết luận nội dung chất vấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, đại biểu thảo luận sôi nổi, đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn nhưng trọng tâm, thể hiện được sự quan tâm của cử tri Thủ đô, đúng tinh thần đổi mới trong chất vấn. Trong đó tập trung vào phương án phòng chống dịch trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới, đa số ý kiến quan tâm đến việc phân tầng trong công tác điều trị bệnh nhân, việc cách ly F1; giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo trang thiết bị cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng thu dung điều trị của các tuyến y tế, đặc biệt là đối với các ca bệnh nặng; năng lực xét nghiệm, việc đáp ứng sớm, nhanh, hiệu quả công tác phòng dịch. Đánh giá chất lượng việc dạy học của ngành Giáo dục Thủ đô, trong đó, tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến; việc đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn khi học sinh đi học trực tiếp tại trường và trong thời gian tới khi học sinh trở lại trường; giải pháp hỗ trợ an sinh cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua và trong thời gian tới; các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thích ứng an toàn và thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 
 
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, phần trả lời chất vấn đúng trọng tâm, trọng điểm câu hỏi, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.
 
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian tới, cử tri và nhân dân Thủ đô mong muốn, trên cơ sở đánh giá toàn diện các kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn vướng mắc, từ đó đề ra các giải pháp phòng chống dịch đồng bộ, hiệu quả, thích ứng an toàn. Trong đó, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục nâng cao năng lực phân tích dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất về công tác phòng chống dịch; xây dựng các phương án kịch bản cụ thể, sát với tình hình, tuyệt đối không để lúng túng, bị động, bất ngờ trước những tình huống dịch bệnh có thể phức tạp hơn. Đồng thời, sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng chống dịch một cách công khai, minh bạch, ngăn ngừa và xử lý nghiêm tiêu cực; Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng theo phương châm y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng để đảm bảo dự báo, giám sát phát hiện sớm, khống chế hiệu quả dịch bệnh, tập trung tháo gỡ khó khăn một cách thực chất để phát triển kinh tế-xã hội. 

Nguyễn Hợp - Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t