Tự hào 3 di sản văn hóa tiêu biểu của quận Long Biên trình diễn tại “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” (11:59 07/10/2024)


HNP - Sáng 6/10, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã diễn ra trong không khí đầy phấn khởi, tự hào của đông đảo tầng lớp Nhân dân Thủ đô, cả nước và bạn bè quốc tế.   

Điệu múa Ải lao do 30 đại biểu nhân dân phường Phúc Lợi, quận Long Biên trình diễn


Một trong những điểm nhấn đặc sắc của Ngày hội đó là các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bao gồm những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận, cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô. 
 
Đặc biệt, có 3 di sản văn hóa tiêu biểu của quận Long Biên được UNESCO và quốc gia vinh danh (gồm: Múa hát Ải Lao ở làng Hội Xá, phường Phúc Lợi; Điệu múa cổ Giảo Long trong Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật ở phường Việt Hưng; Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn) tham gia trình diễn tại Ngày hội, góp phần tạo nên một “dòng chảy di sản” đậm chất Hà Thành, đồng thời mang lại cho khán giả một cái nhìn sâu sắc về các giá trị văn hóa trường tồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
 
Đội hình tham gia hát múa Ải Lao của làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên
 
Hát múa Ải Lao làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên gắn liền với hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Theo truyền thuyết dân gian Thánh Gióng đi đánh giặc qua dòng sông Thiên Đức, ngài rủ lũ trẻ chăn trâu, người câu cá cùng đi; ông Hoàng Hổ cũng xin theo đánh giặc. 
 
Điệu múa Ải Lao gồm hai điệu chính là múa hành lễ và múa nghi lễ. Điểm độc đáo của hát múa Ải Lao là ở nguyên tắc đổi vế trật tự câu thơ, láy từ, thêm các hư từ thành câu hát thể hiện giá trị nghệ thuật tạo nhịp điệu trong cách hát của người Việt. Năm 2016, hát múa Ải Lao đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Trình diễn điệu múa cổ Giảo Long của Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật, phường Việt Hưng tại Ngày hội
 
Còn điệu múa cổ Giảo Long của Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên là lễ hội tưởng nhớ tới công đức Thành Hoàng làng - người đã có công diệt trừ Giảo Long cứu công chúa nhà Lý, rồi sau đó đã đứng ra xin đất cho dân làng lập ấp khai hoang, an cư lạc nghiệp. Theo quan niệm người dân làng Lệ Mật, năm nào hội làng diễn ra tưng bừng, điệu múa Giảo Long được nhiều người tung hô thì năm đó sẽ có cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc.
 
Đội hình biểu diễn điệu múa cổ Giảo Long của Lễ hội truyền thống làng Lệ Mật, phường Việt Hưng
 
Loại hình Di sản Nghi thức và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Kéo co ngồi” là nghi thức tôn thờ Linh Lang đại vương và các thần linh khác của làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên; diễn ra trong hội làng. Trong nghi thức kéo co được chia ra làm ba mạn Đường, Đìa và Chợ. Năm nào mạn Đường thắng thì là năm ứng nghiệm được mùa. Ngày 19/12/2014, nghi lễ “Kéo co ngồi” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tháng 12/2015 được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
Trình diễn “Kéo co ngồi” tại Ngày hội
 
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thanh Hằng, Long Biên là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nền văn hiến hội tụ và kết tinh nhiều giá trị văn hóa qua các thời kỳ với những bản sắc riêng độc đáo. Với lịch sử lâu đời, di sản văn hóa phong phú, việc bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng bộ, Chính quyền, Nhân dân quận Long Biên.
 
“Tham gia trình diễn các di sản văn hóa tiêu biểu tại “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” hôm nay không những là dịp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô mà còn là để tôn vinh, giao lưu, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của quận Long Biên cũng như của Thành phố tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần quảng bá hình ảnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch trên địa bàn”, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
 
Đội hình biểu diễn nghi thức “Kéo co ngồi” của làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên
 
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Long Biên về tham gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Phòng Văn hóa và Thông tin quận đã trực tiếp làm việc với các phường: Việt Hưng, Thạch Bàn, Phúc Lợi để thống nhất các nội dung liên quan đến tiến độ luyện tập các di sản văn hóa đồng thời rà soát trang thiết bị, đạo cụ, trang phục, thời gian luyện tập...

Phạm Linh


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t