Triển lãm “Thành Cổ Loa - Từ truyền thuyết đến hiện thực” (15:46 23/11/2023)


HNP - Kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2023), ngày 23/11, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa tổ chức triển lãm “Thành Cổ Loa - Từ truyền thuyết đến hiện thực”.  

Đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm


Triển lãm “Thành Cổ Loa - từ truyền thuyết đến hiện thực” nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đề cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương và du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
 
Triển lãm gồm 2 chủ đề: Truyền thuyết thành Cổ Loa và thành Cổ Loa ngày nay. Triển lãm giới thiệu các tư liệu, hiện vật, hình ảnh được chắt lọc từ các công trình khoa học, nghiên cứu của các nhà khoa học; các tư liệu, hình ảnh sưu tầm của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, nguồn ảnh của Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa, các sưu tập ảnh tư nhân...
 
Triển lãm thu hút học sinh tham gia
 
Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô và dân tộc. Nơi đây đã hai lần giữ vai trò là kinh đô của đất nước. Đó là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và kinh đô thời Ngô Quyền (thế kỷ X). Khoảng thế kỷ thứ III TCN, nước Âu Lạc được thành lập, An Dương Vương với tầm nhìn chiến lược, đã chuyển trung tâm đất nước từ Bạch Hạc (Việt Trì) về vùng Cổ Loa định đô xây thành.
 
Thành Cổ Loa được xây dựng với quy mô lớn, là minh chứng về trình độ kỹ thuật quân sự cao của nền văn minh Việt cổ. Cùng với sự phát triển của nông nghiệp lúa nước, các ngành thủ công nghiệp, đặc biệt là luyện kim phát triển đạt trình độ cao, đã hình thành các trung tâm dân cư có kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển.
 
Hình ảnh trưng bày tại Triển lãm
 
Các đợt khai quật khảo cổ học đã làm rõ cấu trúc thành Cổ Loa gồm có 3 vòng khép kín, được đào đắp quy mô lớn vào thời kỳ An Dương Vương và đắp gia cố thêm một số lần sau đó. Trong và ngoài thành đã phát hiện được nhiều dấu tích liên quan như các di chỉ cư trú, di tích đúc mũi tên đồng, nơi chôn giấu trống đồng... Từ đó, đã làm sáng tỏ những truyền thuyết nhuốm màu thần thoại về việc An Dương Vương xây thành, là minh chứng hùng hồn về thiên tài quân sự của An Dương Vương, đặc biệt là kỹ thuật chế tạo và sử dụng cung tên.
 
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thành Cổ Loa đã có nhiều thay đổi do chịu nhiều tác động của tự nhiên và con người. Tuy nhiên, những dấu tích về tòa thành cổ nhất, lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại vẫn hiện diện.
 
PGS. TS Lại Văn Tới - Viện Nghiên cứu Kinh thành phát biểu tại Triển lãm
 
Theo các chuyên gia, cùng với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể, Cổ Loa cần phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể tiêu biểu như phong tục, lễ hội cổ truyền. Trong đó tiêu biểu là Lễ hội Cổ Loa - hay còn gọi là lễ hội Bát xã Loa thành, được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hằng năm, nhằm ca ngời công đức của vua An Dương Vương và các tướng lĩnh đã có công sáng lập nhà nước Âu Lạc, định đô ở Cô Loa, xây thành, chống giặc.
 
Cùng với đó, chính quyền địa phương cần quan tâm đến du lịch. Bởi, du lịch Cổ Loa hiện nay vẫn chưa giữ chân được du khách. Tuy nhiên, quá trình phát triển cần hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t