Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân (18:26 13/03/2019)


HNP - Mặc dù công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi được chính quyền các cấp thành phố quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhưng trên thực tế, vẫn bộc lộ một số tồn tại, bất cập, thậm chí có tồn tại được chỉ rõ nhiều lần, nay vẫn tái diễn. Đây là nhận định của Ban Đô thị HĐND thành phố qua đợt khảo sát về lĩnh vực này trên địa bàn thành phố.


Vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh cho biết, qua khảo sát trước, trong và sau Tết, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tại Thủ đô tăng cao, nhưng tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đã được các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp duy trì ổn định, thông suốt, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu vực chợ hoa Tết, điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa, các lễ hội xuân được duy trì tốt. Bên cạnh đó, công tác vận tải khách liên tỉnh đã được các bến xe chủ động xây dựng kế hoạch, lên phương án vận chuyển hành khách; công tác trông giữ phương tiện giao thông được bảo đảm, việc niêm yết và thu tiền giá dịch vụ về cơ bản được thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng ô tô dừng, đỗ không đúng quy định gây ùn ứ giao thông, nhất là vào giờ cao điểm trên địa bàn thành phố. Công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến đường, nút giao thông còn chưa đồng bộ, cá biệt có những nút giao thông vào giờ cao điểm không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng. Tại một số tuyến đường, tuyến phố, tình trạng tự phát trông giữ phương tiện không phép vẫn tái diễn nhưng chưa được xử lý kiên quyết, chấm dứt vi phạm (phố Nguyễn Cảnh Dị, quận Hoàng Mai; một số điểm hai bên đường vành đai 3 thuộc huyện Thanh Trì, quận Thanh Xuân). Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, dừng đỗ phương tiện còn diễn ra trên một số tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn các quận, huyện như: Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đông Anh….

Đáng chú ý, tại các điểm lễ hội đầu năm, vẫn còn diễn ra tình trạng tăng giá vé trông giữ phương tiện cao hơn quy định. Cử tri Trần Văn Huy (đường Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết, mùng 5 Tết, Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Đống Đa) thu vé trông giữ xe máy 20.000 đồng/lượt, ô tô 100.000 đồng/lượt; chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) thu vé trông giữ ô tô 50.000 đồng/lượt. “Sự việc trên mặc dù các Ban HĐND thành phố đã giám sát, kiến nghị nhiều lần, song đến nay, vi phạm vẫn diễn ra chưa có biện pháp xử lý triệt để” - Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Tuân nhấn mạnh.

Cần xử lý kịp thời hơn

Theo nhận định của Ban Đô thị HĐND thành phố, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trên là do hệ thống hạ tầng giao thông đô thị chưa phát triển kịp tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Không chỉ dịp Tết, hiện tại, mật độ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao trên các tuyến phố nhất là vào giờ cao điểm, trong khi nhiều tuyến đường phải vừa thi công vừa sử dụng (6 dự án trọng điểm, 14 tuyên đường có rào chắn phục vụ thi công). Trong khi đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, chủ phương tiện còn hạn chế, chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm giao thông chưa đủ sức răn đe. Cùng với đó, hệ thống bến bãi, điểm trông giữ phương tiện, điểm dừng đón trả khách cho các phương tiện công cộng còn thiếu và hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân…Đặc biệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền một số địa phương và sở, ban, ngành trong việc xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, quyết liệt nên hiệu quả chưa cao.

Sau đợt khảo sát, Ban Đô thị HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố nghiên cứu bố trí nguồn vốn để hiện đại hóa Trung tâm điều khiển giao thông; bổ sung các trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng cho lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, nhất là trong tuần tra, xử lý các vi phạm.

Bên cạnh đó, Ban Đô thị HĐND thành phố cũng đề nghị Sở Giao thông-Vận tải tăng cường công tác kiểm tra hoàn trả mặt đường của các chủ đầu tư sau khi thi công công trình có sử dụng lòng đường bảo đảm êm thuận, an toàn theo đúng quy định; nghiên cứu tổ chức, lập danh mục cụ thể các điểm trông giữ phương tiện hợp lý đáp ứng cơ bản nhu cầu đỗ xe của nhân dân. Ngoài ra, Sở Giao thông-Vận tải cũng sớm báo cáo, đề xuất UBND thành phố giải quyết các vướng mắc, để tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trông giữ phương tiện theo tinh thần Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Cùng với nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, đầu tư lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, vạch sơn kẻ đường, Ban Đô thị HĐND thành phố cũng mong muốn Sở Giao thông-Vận tải tiếp tục duy trì sắp xếp hợp lý luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo hướng: Không để xe khách liên tỉnh hoạt động đi sâu vào khu vực trung tâm thành phố; việc trung chuyển hành khách từ các bến xe khách liên tỉnh vào khu vực trung tâm thành phố và trung chuyển giữa các bến xe khách liên tỉnh do hệ thống xe buýt và các phương tiện giao thông nội đô đảm nhận. Trước mắt, nghiên cứu kéo dài tuyến buýt số 28 (Đông Ngạc - bến xe Giáp Bát) và tuyến buýt số 32 (Nhổn - Bến xe Giáp Bát) kết nối với Bến xe Nước Ngầm nhằm phát huy hiệu quả việc điều chỉnh luồng tuyến vận tải và tạo điều kiện cho nhân dân từ các tỉnh đi đến Bến xe Nước Ngầm có điều kiện được sử dụng xe buýt di chuyển đến các khu vực trung tâm và khu vực phía Tây, Tây Bắc của thành phố.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t