100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được lấy ý kiến trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội (20:29 28/08/2018)


HNP - Ngày 28/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã giám sát tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2015-2018.

Đồng chí Bùi Huyền Mai phát biểu tại buổi giám sát


Từ năm 2015 đến 30/7/2018, Sở Tư pháp Hà Nội đã tham mưu giúp HĐND, UBND thành phố ban hành 53 Nghị quyết, 163 Quyết định. Về văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của cấp huyện, đã ban hành 813 văn bản, trong đó, có 276 Nghị quyết và 537 quyết định. Đồng thời, tham mưu giúp UBND thành phố tự kiểm tra VBQPPL do UBND Thành phố và HĐND, UBND cấp huyện ban hành.
 
Việc lấy ý kiến đánh giá tác động, lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo VBQPPL được thực hiện đúng theo quy định, các đơn vị của thành phố đã đăng tải 100% dự thảo VBQPPL trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố (Mục xin ý kiến công dân) để lấy ý kiến góp ý các tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, tùy theo nội dung của văn bản các cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc lấy ý kiến góp ý các cơ quan liên quan và đối tượng chịu tác động của văn bản bằng nhiều hình thức như tổ chức hội thảo, tọa đàm góp ý.
 
Trong giai đoạn 2015 - 2018, Sở Tư pháp và các Ban của HĐND Thành phố đã tiến hành thẩm định, thẩm tra đối với 216 văn bản (100%) VBQPPL do HĐND, UBND Thành phố ban hành; tiếp nhận và thẩm định đối với 419 đề nghị xây dựng nghị quyết và dự thảo VBQPPL.
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cũng nêu một số tồn tại hạn chế trong công tác thực hiện Luật Ban hành văn bản. Theo Luật Ban hành văn bản khi xây dựng nghị quyết cấp tỉnh phải thực hiện theo quy định từ Điều 112 đến Điều 116 (quy trình xây dựng chính sách). Điều này dẫn đến thời gian xây dựng kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng thụ hưởng chính sách, vì vậy Quốc hội cần xem xét sửa đổi nội dung này cho phù hợp.
 
Ngoài ra, việc ban hành văn bản bãi bỏ theo trình tự, thủ tục của VBQPPL dẫn đến việc kéo dài thời gian của văn bản, do đó, không mang tính kịp thời trong việc bãi bỏ văn bản. Trong khi đó tại điều 146 quy định các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn không có trường hợp bãi bỏ.
 
Tại hội nghị, Đoàn giám sát ghi nhận, thời gian qua, Sở Tư pháp Hà Nội đã quan tâm đến công tác ban hành VBQPPL trên địa bàn. Qua đó, công tác ban hành VBQPPL của thành phố đã cơ bản được thực hiện đúng. Các văn bản QPPL đã đi vào đời sống và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội.
 
Tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Bùi Huyền Mai cũng tiếp thu những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến ban hành VBQPPL. Việc sửa đổi là cần thiết để đảm bảo các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP cũng mong muốn, trong thời gian tới, Sở Tư pháp cần có đánh giá tổng kết 5 năm thi hành Luật Thủ đô, từ đó, có kiến nghị phù hợp để rà soát sửa đổi đảm bảo các quy định pháp luật được ban hành sớm và đi vào đời sống. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng quan tâm hướng dẫn các đơn vị ở cơ sở về thực hiện các quy định về ban hành VBQPPL.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t