Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô (20:27 15/03/2023)


HNP - Với mong muốn nhận được những ý kiến góp ý trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 15/3, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô".

Hà Nội cần những cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá để phát triển trong tương lai


Trao đổi tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã làm rõ các khía cạnh, góc độ khác nhau trong việc tại sao phải sửa đổi Luật Thủ đô? Việc sửa đổi Luật có giải quyết được những vấn đề bức thiết đang đặt ra trong thực tiễn đời sống?. Đồng thời, phân tích kỹ sự cần thiết của việc đẩy mạnh phân quyền phân cấp cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy, biên chế và một số lĩnh vực ưu tiên để tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố.
 
Theo các chuyên gia, khi xây dựng một Luật mới hay sửa đổi một bộ Luật điều quan trọng là phải giải quyết được các nhu cầu thực tiễn. Mặc dù Luật Thủ đô 2012 có tạo các điều kiện phát triển nhất định nhưng đối mặt với sự phát triển chóng mặt của một siêu đô thị thì cần những cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá để phát triển Hà Nội trong tương lai...
 
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều khán giả đề cập đến những bất cập trong phát triển đô thị như: Tắc đường và ô nhiễm không khí, vỉa hè, cải tạo chung cư cũ... Song song với đó là câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hoá cùng mối quan tâm Luật Thủ đô sửa đổi có chính sách bảo tồn những đặc trưng văn hoá của Hà Nội không...
 
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng phát triển, bảo vệ Thủ đô.
 
Sau gần 10 đi vào đời sống, việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô bước đầu đã giúp Thành phố chủ động trong quy hoạch, xây dựng, thu hút các nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh để khẳng định vị thế đầu tàu của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, một số nội dung của Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế. 
 
Hà Nội đề xuất 9 nhóm chính sách trong xây dự dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
 
Dự án Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, vào cuối năm 2023, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7, diễn ra tháng 5/2024.

Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t