Hiệu quả từ các mô hình cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ở Hà Nội (10:46 10/01/2022)


HNP - Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình trợ giúp điều trị cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Các mô hình này hoạt động tích cực, thường xuyên góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; đồng thời, tạo điều kiện, cơ hội cho người nghiện từ bỏ con đường lầm lỡ, hòa nhập xã hội.  

Hội viên Câu lạc bộ B93 ở các phường của quận Cầu Giấy được tư vấn, khám sức khỏe, điều trị các bệnh về phòng chống tái nghiện


Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến nay, toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng và triển khai được 114 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại 106 xã, phường, thị trấn (đạt 19,6% trên tổng số xã, phường, thị trấn của Thành phố và đạt 97,4% chỉ tiêu 20% năm 2021).
 
Năm 2021, Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động 36 Câu lạc bộ B93 - mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; triển khai thành lập mới 22 Câu lạc bộ tại các quận, huyện: Ba Đình, Hà Đông, Hoàng Mai, Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Gia Lâm với 151 hội viên tham gia sinh hoạt. Các Câu lạc bộ đã tổ chức được 480 buổi sinh hoạt nhóm. Tình nguyện viên và Ban chủ nhiệm đã thực hiện khoảng trên 1.700 lượt tư vấn cá nhân đối với hội viên, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải tỏa lo âu, hỗ trợ tâm lý cho hội viên. Cùng chia sẻ khó khăn với hội viên bởi ảnh hưởng của Covid -19, một số địa phương đã hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 92 suất lương thực, tặng quả và hỗ trợ điều trị Methadone.
 
Theo đánh giá của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, hoạt động của mô hình Câu lạc bộ B93 đã gắn kết trách nhiệm của đoàn thể, gia đình và cá nhân trong việc quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều hội viên tham gia sinh hoạt CLB B93 định kỳ đã có sự thay đổi nhận thức, sửa đổi, loại bỏ dần những hành vi lệch chuẩn liên quan đến sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, hội viên được trang bị những kiến thức pháp luật, đạo đức, giá trị sống, kiến thức bảo vệ sức khỏe. Khi được hòa đồng với tập thể, hội viên giảm bớt mặc cảm, tự ti và có kỹ năng sống để vượt qua những khó khăn về tâm lý, áp lực môi trường đối với việc sử dụng ma túy.
 
Mô hình hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện Thành phố cũng đã tiếp cận tư vấn trực tiếp cho 63.742 lượt người, gia đình và thân nhân người được phân công quản lý, giúp đỡ động viên, nhắc nhở chấp hành tốt pháp luật phòng chống tái nghiện; phối hợp với lực lượng chức năng địa phương vận động, thuyết phục được 1.045 người đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện Thành phố; tiếp tục duy trì quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người có nguy cơ cao mắc nghiện tại địa phương được phân công năm 2020 và quản lý giúp đỡ 2.433 người hoàn thành thời gian cai nghiện tại các cơ sở trở về địa phương; nắm bắt thông tin trực tiếp, qua phản ánh của quần chúng nhân dân, hòm thư tố giác tội phạm thu được 379 tin cung cấp cho chính quyền, công an nhiều tin có giá trị đã được xử lý kịp thời làm giảm tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn; phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, rà soát địa bàn, khu vực giáp ranh phức tạp 14.115 lượt, buổi phòng ngừa phát sinh điểm phức tạp về tệ nạn ma tuý, mại dâm và phòng chống dịch Covid-19 góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội ở địa phương.
 
Tư vấn, động viên người nghiện ma túy tại Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng ở phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng)
 
Ngoài ra, đến nay, các mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn Thành phố đã gặp lại được 811 lượt khách hàng cũ và tiếp nhận 192 khách hàng mới; tư vấn cho 1.244 lượt người; chuyển gửi đến các dịch vụ hỗ trợ điều trị nghiện 89 người; điều trị sức khỏe tâm thần, HIV/AIDS, điều trị Lao, viêm gan B,C... 169 người; chuyển gửi hỗ trợ pháp lý 16 người; mua thẻ Bảo hiểm Y tế và gia hạn thẻ BHYT cho 100 người; hỗ trợ kinh phí điều trị Methadone; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, gia hạn thẻ BHYT cho 204 lượt người.
 
Từ những hiệu quả thấy rõ, trong những tháng cuối năm 2021, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì hoạt động của nhiều mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy ở cơ sở. Cùng với đó là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghiện, người sử dụng ma túy, gia đình họ và cộng đồng về tác hại của ma túy, tạo điều kiện thuận lợi để người nghiện ma túy tham gia tư vấn, điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t