Xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp ở Hà Nội: Hướng đi tất yếu (15:09 30/08/2019)


HNP - Mặc dù đã nỗ lực nhưng việc phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội còn gặp không ít khó khăn. Hoàn thiện chuỗi liên kết sẽ là hướng đi tất yếu trong thời gian tới của ngành Nông nghiệp Hà Nội để bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững.

Vẫn còn những bất cập

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó, có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, các chuỗi này đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ, như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...; thí điểm cấp 8 giấy xác nhận cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi.

Tuy vậy, trong quá trình phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ, các hợp tác xã nông nghiệp vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống, vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định. Đặc biệt tình trạng người sản xuất thường phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn.

Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, nên cũng chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền quảng bá Marketting giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng còn yếu. Việc nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, các sản phẩm chuỗi vẫn phải cạnh tranh rất khốc liệt. Công tác dự báo thị trường còn chưa thực sự được quan tâm. Giá cả các sản phẩm nông sản không ổn định, việc liên kết sản xuất chưa theo quy luật thị trường, còn tình trạng sản xuất ồ ạt chưa đúng quy hoạch dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” hay “được mùa mất giá”…

Công tác quản lý về ATTP được phân cấp đến huyện và xã, song do đối tượng quản lý lớn, nhưng lực lượng thực hiện công tác trên còn mỏng, kiêm nhiệm, chuyên môn chưa phù hợp và thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý còn lỏng lẻo, chưa thật sự quyết liệt; công tác kiểm tra, xử lý chưa nghiêm; ý thức người sản xuất, kinh doanh còn thấp nên chưa thúc đẩy cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn phát triển.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Tạ Văn Tường khẳng định, việc phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sẽ là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong thời gian tới. Bởi việc xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ thời gian qua trên địa bàn thành phố đã kiểm soát tốt được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thực phẩm tham gia chuỗi, tạo được đầu ra ổn định, bền vững, tránh được hiện tượng “được mùa mất giá”. Không những xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, mà còn góp phần đẩy mạnh việc triển khai các quy hoạch trên địa bàn thành phố, như: Chăn nuôi, thủy sản, giết mổ, sơ chế, chế biến, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho các chuỗi sản phẩm. Việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bước đầu đã hình thành các điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, giám sát thường xuyên và nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng, nhằm kết nối sản phẩm an toàn, nâng cao niềm tin với người tiêu dùng…

Để phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản của Hà Nội, ông Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường hợp tác các tỉnh, thành phố, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Đưa sản phẩm an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố tổ chức các hội chợ, tuần lễ giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm an toàn; hỗ trợ đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; kết nối các doanh nghiệp thực hiện liên kết với hợp tác xã để đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về bảo đảm ATTP, kiến thức, cơ chế chính sách liên quan đến liên kết chuỗi tới người sản xuất kinh doanh nông sản. Hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện, lựa chọn và ủng hộ sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin về thị trường, thông tin về sản phẩm và cơ sở sản xuất tốt của Hà Nội và các địa phương phục vụ công tác kết nối giao thương. Tiếp tục duy trì và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản đảm bảo đúng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP…


Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t