Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội: Tạo dựng hướng đi mới (15:14 30/08/2019)


HNP - Xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và cải thiện thu nhập cho nông dân, thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động thu hút khách du lịch. Dựa trên tiềm năng sẵn có, các cấp, các ngành thành phố đã dành sự quan tâm, tạo hướng đi mới, mở ra những triển vọng cho nền công nghiệp không khói.

Phát triển du lịch từ những lợi thế

Hà Nội có nền sinh thái nông nghiệp từ lâu đời, ngoài ra thành phố được mệnh danh là “đất trăm nghề”, nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhằm phát huy lợi thế, công tác tuyên truyền phát triển du lịch gắn với những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống, trang trại, miệt vườn được đẩy mạnh. Các hoạt động tuyên truyền không chỉ bó gọn trên địa bàn thành phố, mà còn được tuyên truyền, quảng bá tại các sự kiện, liên hoan, hội chợ về du lịch trong và ngoài nước, tạo sức lan tỏa rộng…

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Điển hình như: Tour tham quan mùa lúa chín tại Đường Lâm; tour du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan làng cổ ở Đường Lâm; các tour du lịch nông trại, tour du lịch trải nghiệm rau hữu cơ, làng chè, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học, tour du lịch tìm hiểu thảo dược và văn hóa chữa bệnh của dân tộc   Dao, dân tộc Mường vùng Ba Vì của Trang trại du lịch đồng quê Ba Vì... Tại các huyện: Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn... cũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và tồn tại nhiều làng nông nghiệp truyền thống lâu đời rất phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Hiện, trên địa bàn thành phố có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, có 305 làng nghề và làng nghề truyền thống Hà Nội đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Du khách đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công, thậm chí còn được trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Cùng với những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống. Việc phát triển du lịch làng nghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của Hà Nội và các địa phương trên cả nước.

Thời gian gần đây, Hà Nội hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái gắn với du lịch, giáo dục, cung cấp đầy đủ các tiện ích, gồm: Ăn uống, nghỉ dưỡng, khám phá, mua nông sản và đặc biệt là cảnh quan, môi trường đã được cải thiện đáng kể. Tiêu biểu là mô hình du lịch nông nghiệp của Trang trại Đồng quê Ba Vì, bằng cách liên kết hợp tác với các hộ dân trong vùng, Trang trại Đồng quê Ba Vì đã tạo ra được rất nhiều tour du lịch nông nghiệp để tham quan, trải nghiệm và khám phá. Bên cạnh việc giúp cho du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống nhà nông, gần gũi với thiên nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp này đã đem lại nhiều giá trị tích cực về vấn đề tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần gìn giữ nghề nông nghiệp truyền thống và duy trì sản vật địa phương có giá trị…

Mở ra những triển vọng mới

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Công tác phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề trên địa bàn thành phố đều hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp không ít khó khăn, như: Thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, chưa được khắc phục... Đây là rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống nói chung và sự phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa khu vực nông thôn thôn gắn với du lịch nói riêng.

Trong thời gian qua, mặc dù du lịch làng nghề Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng sự tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ khách đến các làng nghề so với khách du lịch của cả thành phố vẫn thấp. Doanh thu chủ yếu vẫn là từ việc bán các sản phẩm thủ công. Chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ phục vụ du khách hầu như chưa có…

Khắc phục hạn chế trên, để phát triển ngành Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tạo dựng sản phẩm hoàn chỉnh và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tại các địa bàn nông thôn, như: Khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh); khu vực di tích Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh); khu du lịch núi Sóc, hồ Đồng Quan (huyện Sóc Sơn); khu vực Chùa Hương, thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, Tuy Lai (huyện Mỹ Đức); khu vực núi Ba Vì (huyện Ba Vì), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất); làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), du lịch cộng đồng (Home-stay), du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề truyền thống và một số làng nghề tiêu biểu, điểm tham quan du lịch khác.

Ngoài đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông thôn được đồng bộ, thuận tiện cho khách du lịch tiếp cận du lịch nông thôn, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh và tập trung nhiều vào phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường… để mở ra những triển vọng mới, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến tham quan các vùng nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô.


Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t