Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm lúc giao mùa: Không chủ quan, lơ là (14:54 10/04/2018)


HNP - Hiện đang là thời điểm chuyển mùa, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện phát sinh mầm bệnh tồn lưu trong môi trường nên rất dễ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tại thời điểm này, các địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn thành phố không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Tiềm ẩn những nguy cơ

Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước, trong đó: Đàn bò thịt của thành phố 113.864 con, bò sữa 15.675 con, lợn 1,8 triệu con, gia cầm 30 triệu con... Đến nay, thành phố có 15 xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa với 10.952 con, chiếm 73% tổng đàn; 19 xã trọng điểm chăn nuôi bò thịt với 25.811 con, chiếm 20% tổng đàn; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 210.564 con, chiếm 15% tổng đàn lợn. Toàn thành phố hiện có 3.941 trại, trang trại, trong đó có 51 trại chăn nuôi bò sữa với 913 con; 104 trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản với 2.870 con; 1.086 trại chăn nuôi 512.601 con; 2.700 trang chăn nuôi gần 8 triệu con gia cầm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối lớn là chợ Hà Vĩ (Thường Tín) và chợ Hải Bối (Đông Anh). Chợ đầu mối Hà Vĩ có số lượng gia cầm vận chuyển tiêu thụ tại chợ trung bình từ 40 đến 60 tấn gia cầm (tương đương gần 30.000 con)/ngày đêm. Nguồn gốc gia cầm về chợ Hà Vĩ chủ yếu là ở các tỉnh phía Bắc và từ một số tỉnh miền Nam mang ra tiêu thụ. Còn tại chợ Hải Bối (huyện Đông Anh) có số lượng tiêu thụ gia cầm khoảng trên 3.000 con/ngày đêm nhưng lại có tới 19 hộ kinh doanh giết mổ trực tiếp gia cầm sống ngay tại khu vực chợ, bình quân giết mổ khoảng trên 2.000 con/ngày.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, lúc nắng, lúc mưa, đêm và sáng sớm lạnh, cộng với tốc độ phát triển, lưu lượng lưu thông hằng ngày về gia súc, gia cầm khá lớn là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trên đàn gia súc, gia cầm có thể nhiễm một số bệnh truyền nhiễm như: cúm, newcastle, gumboro, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh... Chưa hết, theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là rất cao nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ cơ sở. Mặt khác, chủng vi rút cúm A/H7N9 vẫn luôn nguy hiểm ở chỗ chỉ mang trùng trên gia cầm nhưng lại không gây chết gà, giống như cúm A/H5N1 nên rất khó phát hiện.

Trong khi đó, ngoài những địa phương triển khai rất tốt thực hiện "Tháng phát động vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường" đợt 1 năm 2018 nhằm cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thì trên địa bàn thành phố vẫn còn một số nơi bộc lộ tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như chưa quan tâm trong chỉ đạo thực hiện và hỗ trợ đầy đủ kinh phí vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Vẫn còn một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước trong vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường...

Phòng bệnh là chính

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, đến thời điểm này, toàn thành phố đã kết thúc "Tháng phát động vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường" đợt 1 năm 2018. Chính quyền cấp xã đã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ, xóm, khu nhốt giữ động vật... với diện tích 37.836.000m2. Những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Về cơ bản, các ổ dịch đã được cơ quan thú y và chính quyền địa phương kiểm soát tốt, không để lây lan diện rộng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố thời tiết, do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, mầm bệnh vẫn lưu hành rộng rãi tại nhiều địa phương; cùng với đó các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp đối với động vật, sản phẩm động vật ngày càng tinh vi, khó kiểm soát dễ làm cho mầm bệnh phát tán rộng nên phải hết sức cảnh giác với dịch bệnh có thể bùng phát.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hướng dẫn các cửa hàng buôn bán thuốc thú y, các chủ trang trại về chủng loại vắc xin gia súc, gia cầm, để người dân chủ động tiêm cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình khi đến tuổi tiêm phòng. Việc chủ động tiêm phòng trên đã tạo miễn dịch quần thể khép kín cho đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ cho sản xuất chăn nuôi của thành phố phát triển ổn định.

Ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, ngoài nỗ lực của cơ quan chuyên môn, thì chính quyền địa phương và người chăn nuôi không được phép chủ quan, lơ là mà cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để mọi người dân cùng có ý thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc chia sẻ thông tin, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi. Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng khép kín, an toàn sinh học và xây dựng cơ sở an toàn dịch. Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm theo quy định. Đồng thời thực hiện việc tốt việc vệ sinh cơ giới, tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn, vừa làm sạch môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên người, vật nuôi...


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t