Phát huy vai trò của kinh tế tập thể ở Hà Nội: Đồng bộ nhiều giải pháp (18:36 13/09/2017)


HNP - Sau 4 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, khu vực kinh tế hợp tác, HTX của TP Hà Nội đã từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng, bộ máy đa dạng hơn, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khu vực này cũng bộc lộ những yếu điểm, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tạo sự chuyển biến trong giai đoạn mới.

Bài 1: Chuyển biến cả số lượng, chất lượng

Xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể, các cấp, các ngành TP Hà Nội đã vào cuộc tích cực đẩy mạnh phát triển hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành phố xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020, đạt được sự chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng của các HTX nông nghiệp.

Xuất hiện nhiều điển hình tốt

Thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư (huyện Gia Lâm) đã tổ chức lại. Đến nay, HTX có 250 thành viên, với tổng vốn điều lệ 527 triệu đồng. HTX xác định mục tiêu là kinh doanh dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho xã viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải tăng thu nhập cho hợp tác xã, còn các hộ gia đình thành viên phải tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Ngoài là cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều năm qua hợp tác xã chú trọng tiêu thụ sản phẩm, quảng bá giới thiệu sản phẩm. HTX đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho 19 loại rau quả sản xuất tại xã Đông Dư được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận. Mỗi năm, HTX tiêu thụ được hơn 200 tấn rau, quả cho các thành viên và hộ nông dân đem lại doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Đáng nói, HTX đã tư vấn giúp nông dân chuyển đổi 100% diện tích trồng cây lương thực sang trồng cây ổi bốn mùa và rau gia vị các loại, đem lại thu nhập từ 250 đến 280 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 đến 7 lần so với trồng lúa...

Tương tự, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân (huyện Sóc Sơn), năm 2015 được tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012. Sau khi kiện toàn, củng cố, hợp tác xã xác định phương châm làm đâu được đó, chậm nhưng chắc. Bước đầu, HTX phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch một số loại cây trồng. Đơn cử như, thí điểm trồng cây dưa lê siêu ngọt với diện tích 1ha cho thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so cấy lúa. Thấy HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả nhiều người dân tự nguyện làm đơn xin gia nhập HTX. Kết quả, đến nay, HTX có 105 thành viên, tổng vốn góp điều lệ đạt gần 1 tỷ đồng. Các thành viên góp vốn cơ bản bằng đất nông nghiệp. Từ chỗ chỉ 1ha, đến nay, HTX đã mở rộng trồng 35ha dưa siêu ngọt; bình quân 1 sào cho thu hoạch 4 đến 5 tạ/vụ. Sản phẩm dưa lê của HTX được thị trường chấp nhận. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 18 cửa hàng bán sản phẩm cho HTX.
Ông Nguyễn Quang Mạnh, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Hà Nội cho biết, không riêng hai HTX trên, Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời đi vào cuộc sống đã có nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố chuyển biến rõ nét. Các HTX vững vước trong hướng đi mới, mở rộng thêm ngành nghề, kinh doanh dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tại nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế hợp tác, HTX của Thủ đô.

Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho biết, toàn thành phố có 922 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 62,2%). Doanh thu bình quân mỗi hợp tác trên 990 triệu đồng, số HTX sản xuất kinh doanh có lãi chiếm 67%, số HTX hòa vốn là 18%, còn số HTX sản xuất kinh doanh thua lỗ chỉ 15%; lãi bình quân là 75 triệu đồng/HTX, nhiều HTX đã có lãi từ 100 đến 300 triệu đồng; vốn quỹ HTX cũng được bổ sung, phân phối lãi cho thành viên được tăng thêm. Ông Nguyễn Trung Thành cho biết thêm, tổng số cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn trong HTX trên địa bàn thành phố là 8.258 người (cán bộ Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, bộ phận kế toán là 4.537 người, cán bộ chuyên môn khác là 3.721 người). Tổ chức bộ máy quản lý của các HTX bình quân từ 11 đến 15 người, số cán bộ có trình độ trung cấp trở lên trong Hội đồng quản trị chỉ chiếm 28,5%, trong Ban kiểm soát chiếm 16,2%, kế toán chiếm 45,4%. Tổng số thành viên HTX trên 1,018 triệu thành viên, hầu hết là các hộ gia đình nông dân tham gia.

Theo ông Nguyễn Quang Mạnh, các HTX nông nghiệp tích cực tham gia công tác xây dựng nông thôn mới, thực hiện dồn điền đổi thửa, tham gia thực hiện công tác quy hoạch, phân vùng sản xuất, tổ chức cho các hộ thành viên và nhân dân chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Một số HTX đã liên kết với các công ty giống cung cấp các loại giống mới, chất lượng, năng suất cao đưa giá trị sản xuất bình quân trên 220 triệu đồng/ha/năm. Các HTX còn tham gia xây dựng, phát triển các công trình, kết cấu hạ tầng, phúc lợi công cộng (đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, đường điện...) như: HTX nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạnh Thất), HTX nông nghiệp Song Phượng (huyện Đan Phượng)... Nhiều HTX đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể như: Gạo chất lượng cao T10 tại HTX Đại Thắng (huyện Phú Xuyên), gạo nếp cái hoa vàng của HTX Liên Hà (huyện Đông Anh), khoai lang Hoàng Long của Hợp tác xã Tri Lai (huyện Ba Vì), hoa ly Tân Lập (huyện Đan Phượng), cam Canh xã Kim An (huyện Thanh Oai), nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức), rau muống tiến vua Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ), bánh trưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì)...

Qua rà soát, trên địa bàn TP Hà Nội có 1.764 HTX và quỹ tín dụng nhân dân gồm: 922 HTX nông nghiệp, chiếm 62,2%; 185 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chiếm 12,4%; 198 HTX thương mại - dịch vụ, chiếm 13,4%; 45 HTX vận tải, chiếm 3,1%; 6 HTX xây dựng, chiếm 0,4%; 29 HTX loại hình khác (y tế, trường học, vệ sinh môi trường...), chiếm 1,9%; 98 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 6,6%.


Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t