Quận Tây Hồ chủ động ứng phó ảnh hưởng cơn bão số 3 (16:46 10/09/2024)


HNP - Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, ngay sau khi có các thông tin về cơn bão số 3 (Yagi), Quận ủy, UBND quận Tây Hồ đã ban hành các văn bản chủ động ứng phó với cơn bão yêu cầu UBND các phường, các phòng ban ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, tổ chức thường trực 24/24 tại văn phòng để theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, bão và chủ động phòng chống. 

Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến kiểm tra công tác phòng chống mưa bão


Để đảm bảo thực hiện tốt Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Thành ủy và các Công điện của Chủ tịch UBND Thành phố, UBND quận đã phân công lịch trực và yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, kịp thời ứng phó, khẩn trương khắc phục hậu quả của mưa, bão cũng như thường xuyên báo cáo với UBND quận.
 
Trong các ngày 7 và 8/9/2024, Chủ tịch UBND quận đã kiểm tra công tác ứng trực, chủ động phòng ngừa của các phường, các đơn vị cũng như công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão. Tại các buổi kiểm tra, Chủ tịch đã yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với cơn bão số 3 và đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phường, các đơn vị trong công tác ứng phó, tiến độ, thời gian khắc phục hậu quả.
 
Để kịp thời thông tin diễn biến thời tiết, các thông tin liên quan đến cơn bão số 3 (Yagi), UBND quận đã chỉ đạo Phòng VHTT, Trung tâm VHTT-TT, UBND các phường thường xuyên đăng các tin bài về diễn biến của cơn bão, kỹ năng ứng phó trên trang thông tin điện tử, trang thông tin Zalo của quận, phường cũng như các nhóm liên lạc của các tổ dân phố. Đồng thời, giao Phòng Kinh tế thường xuyên cập nhật và báo cáo tình hình, thiệt hại (nếu có), kết quả khắc phục, các vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ 2 tiếng/1 lần trên trang liên lạc của BCH PCTT&TKCN.
 
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ chiều ngày 6/9, trên địa bàn quận đã có mưa to. Sáng ngày 7/9 mưa to và gió lớn xuất hiện, nhất là lúc chiều, tối. Lượng mưa đo tại Trích Sài từ 17h00 đến 23h00 ngày 7/9 là 99mm; lúc 7h00 ngày 8/9 là 102.5mm…
 
Thực phẩm tại các chợ dân sinh dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân
 
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận trong việc tổ chức vận động di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, UBND phường Thụy Khuê, Phú Thượng và lực lượng quân sự và công an phường đã tổ chức vận động và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Kết quả, đã di dời 245 nhân khẩu tại khu vực bãi sông Hồng và bãi giữa sông Hồng.
 
UBND phường Thụy Khuê, lực lượng chức năng của phường tổ chức di chuyển 14 hộ gia đình tại Khu tập thể P16A Thụy Khuê sang Trung tâm Phát triển Phụ nữ 20 Thụy Khuê đảm bảo an toàn.
 
UBND các phường đã chủ động có phương án bố trí lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện để ứng trực, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão cũng như hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống. UBND các phường đã chủ động tháo dỡ hơn 300 băng rôn, banner quảng cáo trên các tuyến phố để đảm bảo an toàn khi có bão.
 
Phòng GDĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền tới học sinh và các cha, mẹ học sinh về tình hình và công tác ứng phó với cơn bão số 3; bố trí cán bộ, giáo viên ứng trực tại trường và có các biện pháp để kịp thời khắc phục hậu quả của cơn bão. Chủ động phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh trong việc đưa, đón học sinh để đảm bảo an toàn cho các cháu.
 
Ban Quản lý Chợ quận đã tuyên truyền tới các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ để chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm… không để xảy ra tình trạng khan hàng và giữ giá cả ổn định.
 
Ban chỉ huy quân sự Quận đã phân công lực lượng ứng trực, chuẩn bị các dụng cụ để tiến hành ứng phó cũng như khắc phục hậu quả. Công an quận đã bố trí lực lượng ứng trực, chủ động tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo an toàn giao thông
 
Ban QLDA ĐTXD đã dừng thi công tại các công trình do Ban làm Chủ đầu tư, tiến hành thu dọn vật liệu, chằng chống đảm bảo an toàn. Chỉ đạo các đơn vị thi công bố trí nhân lực, phương tiện hỗ trợ một số cơ quan, trường học trên địa bàn gia cố trụ sở, trường học để chủ động phòng chống bão cũng như khắc phục hậu quả sau mưa bão.
 
Ban QLHT đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện công tác duy tu, duy trì HTKT, cây xanh, thoát nước, VSMT thực hiện công tác phòng chống và khắc phục hậu quả.
 
Công ty Điện lực Tây Hồ đã chuẩn bị sẵn phương án, nhân lực, vật tư để ứng phó và khắc phục các sự cố về điện cũng như để đảm bảo an toàn lưới điện.
 
Đến chiều tối ngày 9/9, tại khu vực bãi giữa sông Hồng, nước sông dâng cao gây ngập lụt khu vực tại một số khu vực trên địa bàn các phường ven sông Hồng (khu vực xóm chài Phú Thượng, cuối ngõ 374, 464, 172 Âu Cơ, cuối ngõ 310 Nghi Tàm).
 
Do có sự chuẩn bị và triển khai kịp thời các phương án tiêu thoát nước nên đến khoảng 5h00’ ngày 8/9/2024 không còn tình trạng ngập úng, đọng nước trên địa bàn.
 
Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến chỉ đạo việc tổ chức di chuyển 14 hộ gia đình ra khỏi khu tập thể nguy hiểm
 
“Ngay từ khi thiệt hại bắt đầu xảy ra, BCH PCTT&TKCN các phường đã chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ, phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tiến hành khắc phục khẩn trương. Do cơn bão mạnh nên đến chiều ngày 8/9, toàn bộ số cây xanh bị gãy cành, bị đổ đã được thu dọn gọn vào vỉa hè, ven đường để đảm bảo giao thông được thông suốt, một số vị trí đã được dọn chuyển. Tính đến 9h00 ngày 8/9, giao thông trên các trục đường chính đảm bảo an toàn, thông suốt; đến 16h00 ngày 8/9, các ngõ xóm trên địa bàn cũng đảm bảo an toàn giao thông” - đồng chí Nguyễn Đình Khuyến thông tin.
 
Đối với sự cố tại một số trường học trên địa bàn, được sự hỗ trợ từ Ban QLDA ĐTXD và UBND các phường, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu các trường đã khắc phục cơ bản các thiệt hại trước 18h00 ngày 8/9, đảm bảo đủ điều kiện đón học sinh đi học từ ngày 9/9. Các sự cố tại các Di tích trên địa bàn cũng được khắc phục kịp thời. Từ ngày 9/9 toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn quận đã được đảm bảo thông suốt phục vụ Nhân dân đi lại thuận lợi.
 
Hệ thống lưới điện được vận hành ổn định, đảm bảo an toàn. Các hộ dân bị cắt điện cục bộ được cấp điện trở lại ngay sau khi cắt bỏ các cành cây gãy, đổ vào đường dây điện. Ngay trong đêm 9/9, UBND các phường ven sông đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân sinh sống, canh tác tại khu vực bị ngập di dời người, tài sản tới nơi an toàn. Hiện đã bố trí lực lượng chức năng ứng trực tại các khu vực này. Điện lực Tây Hồ cũng đã chủ động cắt điện tại khu bị ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
 
Về một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến cho biết, cùng với việc tiếp tục tổ chức trực; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời triển khai các phương án PCTT&TCKN, quận sẽ chỉ đạo tổ chức giải tỏa kịp thời cây xanh bị đổ, gãy, dây điện trùng võng không để ùn tắc giao thông. Rà soát cây xanh, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn cho người, phương tiện, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Trong số 828 cây xanh bị gãy đổ, theo tính toán sơ bộ ban đầu có 627 cây có thể dựng và trồng lại được, 201 cây có khả năng phải cắt bỏ và thay thế.
 
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố về công tác PCTT&TKCN và khắc phục hậu quả sau bão số 3.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của các phòng, ban ngành, đơn vị và UBND các phường căn cứ nhiệm vụ được giao; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị PCTT, chuẩn bị các phương án ứng phó trong mọi tình huống theo phương châm “Ba sẵn sàng”, “Bốn tại chỗ”, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các phương án đã được phê duyệt.
 
Các lực lượng chức năng có mặt kịp thời để xử lý các sự cố do mưa bão gây ra
 
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình, nhà ở có nguy cơ ngập lụt, đổ sập, tốc mái, nhà hộ độc thân, neo đơn, người già, người yếu thế… để có phương án khắc phục, hỗ trợ; thăm hỏi, động viên, chăm lo cho các đối tượng chính sách, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn…
 
Bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ, ngập úng xảy ra đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi, giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn lưới điện, thông tin, chiếu sáng, nước sạch, vệ sinh môi trường, rò rỉ chất thải, hóa chất độc hại, phòng chống dịch bệnh, trật tự, an toàn xã hội,…
 
Chuẩn bị, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống bão, lũ, mưa, úng ngập, sự cố thiên tai, đảm bảo đời sống Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định thị trường. 
 
Chỉ đạo UBND các phường tổng rà soát các hộ dân, nhân khẩu, nhà cấp 4 khu vực ngoài đê sông Hồng để chuẩn bị phương án di dời trong trường hợp nước lũ dâng cao khi có chỉ đạo của UBND Thành phố và tổ chức thực tập hàn khẩu. 
 
Ghi nhận quận Tây Hồ đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, quận đã vào cuộc chủ động, quyết liệt với tinh thần từ sớm, từ xa và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, do đó đã giảm thiểu tối đa được những thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn. 
 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cũng lưu ý, dự báo tình hình mưa lũ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đặc biệt, quận Tây Hồ có khu vực vùng bãi Hồng, nhiều hộ dân hiện đang canh tác hoa màu. Không loại trừ các tình huống nước dâng lên cao nhưng người dân tiếc của, cố thu hoạch nông sản sẽ rất nguy hiểm. Do đó cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ người dân để thu hoạch nông sản, bảo đảm an toàn cao nhất về con người.
 
Đặc biệt, phải nắm chắc được diễn biến tình hình; triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương đến Thành phố. Kiểm tra, rà duyệt lại trang thiết bị vật tư cho phòng chống thiên tai để bảo đảm từ sớm, từ xa, 4 tại chỗ khi cần theo kịch bản.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t