Ngày 18/6, khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Mỹ Đức lần thứ III - năm 2024 (13:41 17/06/2024)


HNP - Với chủ đề “Đồng bào các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, phát huy lợi thế, tiềm năng xây dựng huyện Mỹ Đức phát triển bền vững”, ngày 18/6, UBND huyện Mỹ Đức sẽ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III - năm 2024.

Đồng bào các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, phát huy lợi thế, tiềm năng xây dựng huyện Mỹ Đức phát triển bền vững


Mỹ Đức là một Huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 50 km. Phía Đông giáp huyện Ứng Hòa, phía Bắc giáp huyện Chương Mỹ, phía Tây giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, phía Nam giáp huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Mỹ Đức có vị trí tương đối thuận lợi do ở gần trung tâm kinh tế và thị trường lớn như: Thủ đô Hà Nội, quận Hà Đông, khu công nghệ cao Hòa Lạc và chuỗi đô thị mới Xuân Mai - Miếu Môn - Hòa Lạc - Sơn Tây. Trên địa bàn Huyện có 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên Chúa giáo.
 
Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 226,3 km2; dân số toàn huyện trên 20,5 vạn người, có 22 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn Đại Nghĩa và 21 xã. Trong đó, có 01 xã dân tộc miền núi duy nhất là xã An Phú nằm ở phía Tây Nam Huyện Mỹ Đức.
 
Xã An Phú có 13 thôn, dân số 10.020 người, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 57%, chủ yếu là người dân tộc Mường. Toàn xã có 3 thôn công giáo toàn tòng và khoảng 46% số hộ theo đạo thiên chúa giáo.
 
Kể từ khi hợp nhất về với Thủ đô, nhất là khoảng 5 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư lớn của thành phố Hà Nội, hạ tầng giao thông về xã An Phú đã được nâng cấp ngày một đồng bộ. Một loạt tuyến đường được xây dựng từ nguồn vốn Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng: Đường trục chính đi khu chuyển đổi thôn Thanh Hà; đường trục chính đi khu chuyển đổi thôn Nam Hưng; đường giao thông nông thôn đoạn từ thôn Đồng Chiêm đến đường liên xã; đường trục chính từ UBND xã An Phú đến Quốc lộ 21A…
 
Đời sống đồng bào vùng dân tộc xã An Phú, huyện Mỹ Đức đổi thay tích cực trong 5 năm qua
 
Theo Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện, thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, khoảng 250 tỷ đồng đã được UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ để địa phương triển khai 16 dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng.
 
“Trước đó, thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, xã An Phú cũng được hỗ trợ đầu tư xây dựng 6 dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, với tổng kinh phí 56 tỷ đồng Đến nay, các dự án đều đang phát huy hiệu quả tích cực phục vụ đồng bào…”, ông Bùi Văn Chuyện thông tin thêm.
 
Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã An Phú. Tính trong giai đoạn 2019 - 2024, tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của địa phương này đạt khoảng 6%.
 
Đồng bào các dân tộc tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh các mô hình kinh tế mới như trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người dân xã An Phú đến nay đã đạt khoảng 56 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hiện còn 0,8%. Xã An Phú cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh đánh giá, kết quả phát triển của xã An Phú trong 5 năm qua (2019 - 2024) có được là nhờ sự quan tâm đầu tư lớn về nguồn lực của Hà Nội. Trên cơ sở nguồn lực của Thành phố, địa phương đã chỉ đạo thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án được thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng.
 
Hiện, UBND huyện Mỹ Đức đang chỉ đạo xã An Phú duy trì thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa các công trình nhằm bảo đảm hiệu quả sau đầu tư. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, bổ sung nguồn lực đầu tư nhằm nâng cấp đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội.
 
Cũng theo ông Đặng Văn Cảnh, cùng với tiếp tục huy động các nguồn lực để nâng cấp hạ tầng, trong những năm tới, huyện Mỹ Đức sẽ tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trọng tâm là du lịch sinh thái, kết hợp nuôi trồng thủy sản và trồng cây hoa sen, cây thuốc Nam, nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững cho đồng bào các dân tộc.  

Hoàng Điệp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t