Huyện Thạch Thất phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (16:51 30/04/2017)


HNP - Trong những năm qua, huyện Thạch Thất đã tập trung nhiều giải pháp phát huy những thế mạnh của những cây trồng đặc sản, tạo những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất


Trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp huyện Thạch Thất đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa với hướng đi là lựa chọn một số loại cây, con có ưu thế phù hợp với tiểu vùng khí hậu, sinh thái đặc thù của huyện để phát triển thành các vùng chuyên canh gắn với chế biến và dịch vụ thương mại. Với đặc điểm địa lý gồm vùng núi, vùng bán sơn địa, đồng bằng và đặc biệt tận dụng lợi thế nguồn nước tưới bởi sông Tích, hệ thống kênh dẫn Đông Mô – Ngải Sơn, huyện đã phát triển diện tích rau màu trên địa bàn huyện vụ là 1.200 ha (vụ Xuân), diện tích vụ Mùa là 500 ha, được gieo trồng bằng nhiều chủng loại giống rau, màu. 
 
Cùng với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển rau an toàn. Trong đó, UBND huyện Thạch Thất có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm nông sản hàng hoá có chất lượng cao phục vụ thị trường, trong đó trọng tâm là xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái kết hợp với kinh doanh dịch vụ du lịch. Cụ thể, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện một số mô hình rau an toàn tại các xã Hương Ngải, Dị Nậu, Canh Nậu, Bình Yên và xã Yên Bình, quy mô diện tích tập trung từ 3 đến 10ha.
 
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ phát triển một số mô hình sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô 5ha của Công ty Minh Nga, 10ha của trang trại Hoa Viên triển khai tại xã Yên Bình và 12 ha của HTX Hương Ngải được sản xuất tập trung, chất lượng đảm bảo và cho giá trị kinh tế cao, thu nhập 12-16 triệu đồng/sào/năm, tương đương với khoảng 333 đến 445 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, các sản phẩm này đã có thương hiệu và chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, nhà hàng, các bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn thành phố.
 
Trong số diện tích rau an toàn đã triển khai thực hiện có hiệu quả kinh tế cao, có mô hình 10 ha rau an toàn theo hướng hữu cơ của trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình được Sở Nông nghiệp và PTNT và Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đánh giá là mô hình điểm và có thể nhân ra diện rộng ra các địa phương khác của thành phố.
 
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu huyện còn triển khai các mô hình hoa cây cảnh, mô hình trồng hoa là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, diện tích trồng hoa của huyện có khoảng 30ha, trong đó, xã Yên Bình có 10 ha, Đại Đồng có 9ha, Canh Nậu có 1,5 ha, Hương Ngải 0,5ha. Riêng Trạm khuyến nông huyện có mô hình hoa chất lượng cao với 0,5ha. Cá biệt, một số mô hình trồng hoa, nhất là mô hình hoa ly có thể cho thu nhập 100 triệu đồng/sào/vụ, tương đương 2,7-2,8 tỷ đồng/ha/năm.
 
Ông Nguyễn Bùi Hải, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thạch Thất cho biết: để phát huy những kết quả đã đạt được ở các mô hình trồng hoa, trong giai đoạn 2017-2021, huyện phấn đấu xây dựng vùng sản xuất hoa tại xã Yên Bình lên 20 ha, Đại Đồng 20ha và tiếp tục nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn. Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa, cây cảnh để tăng chất lượng, chúng loại hoa. Tăng cường sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm .
 
Nhờ định hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, đời sống người nông dân huyện Thạch Thất được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, thu nhập của người dân được nâng cao, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất: thời gian tới, thực hiện Nghị quyết huyện Đảng bộ huyện lần thứ 23 là đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn xây dựng NTM. Huyện sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thuỷ sản, nâng cao chất lượng nông sản.
 
Huyện cũng sẽ phát huy lợi thế sử dụng có hiệu quả đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nuôi trồng các cây, con truyền thống giá trị kinh tế cao nhằm phát huy lợi thế của vùng. Xây dựng từng vùng chuyên canh tập trung, chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, hướng tới thị trường xuất khẩu nông sản.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá quy mô lớn, công nghiệp và dịch vụ gắn với đô thị hoá nông thôn. Tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, đặc biệt đẩy mạnh tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ…góp phần xây dựng NTM thành công.
 
 
Đến nay, huyện Thạch Thất đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, huyện phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện là 22/22 xã. Theo UBND huyện Thạch Thất, tổng nguồn vốn đã huy động đến quý I năm 2017 cho xây dựng nông thôn mới hơn 1.093 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách thành phố hỗ trợ 69,45 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 606,4 tỷ đồng; ngân sách xã 12,7 tỷ đồng; vốn lồng ghép 377,93 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp gần 26,6 tỷ đồng.
 

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t