Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 06/12/2014 đến ngày 12/12/2014) (07:58 15/12/2014)



Những nội dung trọng tâm

1. Thời sự, chính trị

Để phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, ngày 8/12, Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện dẫn đầu làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ TP trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư chúc mừng, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong thời gian qua, đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm và những kiến nghị thiết thực của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, góp phần hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng. Đồng chí cũng nhấn mạnh, trong tình hình chung còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, Đảng bộ Hà Nội đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, sáng tạo với nhiều giải pháp cụ thể để đưa kinh tế giữ đà tăng trưởng tốt, chăm lo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổng Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (Kinh tế đô thị, 09/12); Tổng Bí thư: Hà Nội phải làm gương cho cả nước (Tiền phong, 09/12).

Ngày 9/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng đoàn đại biểu HĐND TP ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 11, HĐND TP khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri quận Hoàn Kiếm đánh giá cao việc Kỳ họp thứ 11, HĐND TP đã đề cập nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, năm 2014 trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo điều hành của TP, kinh tế của Thủ đô vẫn tăng trưởng khá, gấp 1,5 lần so với cả nước. Cử tri hoan nghênh việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh được HĐND bầu và cho rằng kết quả khách quan, công tâm. Cử tri đề nghị, HĐND TP tiếp tục công khai minh bạch các nội dung, chương trình công tác để cử tri cùng theo dõi và giám sát. Tiếp tục thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XIV, ngày 11/12, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh và các đại biểu (ĐB) HĐND TP đơn vị bầu cử số 1 cũng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình. Thay mặt các ĐB HĐND TP đơn vị bầu cử số 1, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh trân trọng tiếp thu các ý kiến của cử tri quận Ba Đình và trao đổi thêm thông tin về Kỳ họp thứ 11, khái quát những kết quả nổi bật trong thực hiện các nghị quyết của HĐND TP. Hoan nghênh Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã trao đổi, giải đáp làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến trách nhiệm của quận, Chủ tịch HĐND TP khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc quận Ba Đình giải quyết các việc theo hướng rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ điều kiện thực hiện. Cùng ngày, Đoàn ĐB HĐND TP cũng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy sau Kỳ họp thứ 11, HĐND TP khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc, các ĐB đã lắng nghe 13 ý kiến của các cử tri đại diện cho nhân dân các phường trên địa bàn quận. Trong đó, các ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Chế tài xử lý những trường hợp không nộp phí bảo trì đường bộ; Chất lượng của các công trình giao thông; Tác phong làm việc của cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ thuế cấp phường; Nhà hội họp quá tải sau khi sáp nhập tổ dân phố… Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội mới, 11/12). Xử lý công việc phải rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm (Kinh tế đô thị, 12/12).

UBND TP Hà Nội vừa đồng ý phương án do Bộ GTVT đề xuất về việc chọn vị trí xây cầu Việt Trì mới: cách ngã ba sông Hồng, sông Lô khoảng 2,5km về phía thượng lưu và cách ngã ba sông Hồng, sông Đà khoảng 9,7km về phía hạ lưu (trên địa phận xã Phú Cường - Ba Vì và phường Thọ Sơn - TP Việt Trì). Quy mô mặt cắt ngang cầu đáp ứng 4 làn xe. TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT có quyết định chính thức, cập nhật vị trí cầu và tuyến đường vào các quy hoạch có liên quan; UBND TP Hà Nội cũng sẽ cập nhật vào Đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Thống nhất vị trí xây cầu Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng (Hà Nội mới, 07/12).

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo xử lý tình trạng xe quá tải trên đê sông Hồng, khai thác cát trái phép trong lòng sông Hồng và xây dựng công trình ở bãi sông Hồng trên địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Hưng Yên, Hà Nam. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở NNPTNT, GTVT, TNMT, Công an kiên quyết xử lý xe quá tải trên đê sông Hồng; ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên lòng sông, giải tỏa ngay các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên bãi sông làm cản trở việc thoát lũ. Hà Nội cũng đề nghị tỉnh Hà Nam, Hưng Yên cùng phối hợp xử lý. Hà Nội đề nghị Hưng Yên, Hà Nam phối hợp xử lý xe quá tải phá đê sông Hồng (Hà Nội mới, 09/12); Cát tặc và xe quá tải đang phá đê sông Hồng (phapluattphcm, 08/12).

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 09/12, Tổng giám đốc CTCP nước sạch Vinaconex cho biết “rất khó” để hoàn thành đường ống nước Sông Đà số 2 trong tháng 6/2015. Do đó, Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nước trong năm 2015. Cũng tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết chất lượng nước mặt sông Đà đạt quy định, trừ chất lượng nước ở khu đô thị mới Tân Tây Đô không đạt yêu cầu. Trước đó, khi nhận được phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng nước tại một số khu dân cư, khu đô thị, khu chung cư không đảm bảo, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan đã kiểm tra đột xuất, lấy khoảng 100 mẫu nước tại các khu đô thị mới Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Định Công, Việt Hưng, Tân Tây Đô, Xa La, CT2 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông... để xét nghiệm. Sự cố xả nước bãi rác: Hà Nội khẳng định nước sông Đà vẫn đảm bảo (Vietnamplus, 09/12); Vinaconex: Nước sạch sông Đà không bị “nhiễm” rác (Khám phá, 09/12); Dự án tuyến nước sông Đà số 2 sẽ chậm tiến độ! (Bizlive, 09/12).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến cuối năm nay, Thành phố sẽ cấp khoảng 40.500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vượt mức chỉ tiêu đã đề ra. Trong 11 tháng, Văn phòng Đăng ký đất đai của thành phố đã tiếp nhận gần 41.000 hồ sơ, trong đó giải quyết và cấp hơn 35.500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự kiến trong tháng 12, Hà Nội sẽ tiếp tục cấp thêm 5.000 sổ đỏ, phấn đấu đạt hơn 101% kế hoạch. Hà Nội hoàn thành vượt mức cấp sổ đỏ (VTV, 09/12).

Theo số liệu từ Sở Tài chính Hà Nội, tháng 11, đã có 52 doanh nghiệp taxi, 17 doanh nghiệp vận tải khách, 2 doanh nghiệp vận tải container đăng ký điều chỉnh giảm giá cước. Cụ thể, có 17 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, mức giảm từ 5.000 đến 60.000 đồng một hành khách (giảm 4 - 16,67%). Hai hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container mức giá điều chỉnh giảm 3 - 4% (giảm 800 - 900 đồng một tấn trên một km), 55 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi của 52 doanh nghiệp điều chỉnh giảm 4-9% (500 - 1.000 đồng một km) so với mức giá kê khai gần nhất. 71 doanh nghiệp vận tải Hà Nội giảm giá cước (Hà Nội mới, 08/12).

Với gần 18.000 tỷ tổng số nợ thuế trên địa bàn, riêng số nợ thuế đất đai đã hơn 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 55%. Nhiều DN đang rơi vào tình trạng không bán được hàng, không còn tiền nộp thuế… Nguyên nhân được xác định do nhiều DN, tổ chức kinh tế khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán. Dù cơ quan Thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ (trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng) nhưng vẫn không thu được nợ. Nhiều hộ kinh doanh đã tự nghỉ, bỏ kinh doanh, cơ quan thuế đã phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc nhưng vẫn không thu được nợ. Hà Nội: Nợ thuế đất vượt 6.000 tỷ đồng (Infornet.vn, 08/12).

Theo thông tin chính thức từ Cục Quản lý cạnh tranh, hiện tại, cả nước mới có 3 công ty được phép bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, trong phạm vi Hà Nội lại có hàng loạt công ty hoạt động bán hàng đa cấp, các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, quảng bá sản phẩm diễn ra công khai, rầm rộ nhưng hoàn toàn không có sự kiểm soát từ các cơ quan chức năng. Các công ty kinh doanh đa cấp vẫn vươn “vòi” hoạt động (Pháp luật Việt Nam, 11/12).

Ngày 11/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chủ trì cuộc họp với 15 quận, huyện nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô, với trọng tâm là công tác hỗ trợ đầu tư, xây dựng các công trình văn hóa. Theo giám đốc Sở KH - ĐT Hà Nội, do nguồn ngân sách TP, cũng như của các huyện có hạn nên việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa gặp rất nhiều khó khăn . Chia sẻ khó khăn về vốn xây dựng nhà văn hóa (Kinh tế đô thị, 11/12).

Nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ: Thi công cả Tết Dương lịch và Âm lịch (Thời báo Ngân hàng, 12/12). Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thành phố Hà Nội theo hình thức BOT (giai đoạn 1). Do đặc thù lượng phương tiện di chuyển trên tuyến đông đúc nên Bộ trưởng yêu cầu kiểm soát thi công dứt điểm từng đoạn 500m, sau khi hoàn thành mới làm tiếp đoạn sau. Tập trung thi công cả Tết Dương lịch và Âm lịch để đẩy nhanh tiến độ Dự án, tuy nhiên những ngày cao điểm nhân dân về nghỉ Tết và quay lại làm việc thì dừng thi công để đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận lợi...

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, toàn TP hiện có 685 cầu các loại. Qua thời gian dài sử dụng, không ít cây cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại an toàn, thuận lợi của người dân, cầu yếu đang vô hình trở thành rào cản đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều quận, huyện. Nỗi lo từ những cây cầu (Kinh tế đô thị, 08/12).

Người dân tổ dân phố 18, phường Đồng Mai (quận Hà Đông) phản ánh: Xây dựng sơ sài từ những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi ngày lại phải "cõng" cả nghìn lượt người và phương tiện qua lại… nên nhiều năm nay cầu Đồng Hoàng bắc qua sông Đáy thuộc phường Đồng Mai luôn trong tình trạng xuống cấp, có nguy cơ sập rất cao. Người dân địa phương đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng cải tạo, nâng cấp cây cầu nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm… Quận Hà Đông: Cầu Đồng Hoàng có thể sập bất cứ lúc nào! (Hà Nội mới, 09/12).

Cứ vào giờ cao điểm, khu vực đầu cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông) lại rơi vào tình trạng ùn tắc, mất ATGT. Tại đây, phần lớn diện tích hành lang ATGT đường bộ đã bị các hộ kinh doanh lấn chiếm thành nơi họp chợ. Thậm chí, nhiều trường hợp còn ngang nhiên bày bán hàng hóa ngay khu vực đường dẫn lên cầu Mai Lĩnh. Người bán đã vậy, người mua cũng điềm nhiên dừng đỗ ngay dưới lòng đường gây ùn tắc, mất ATGT. Điều đáng nói, tình trạng trên đã diễn ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Chợ “cóc” lấn cầu Mai Lĩnh (Kinh tế đô thị, 08/12).

Hàng chục năm nay, đường Nguyễn Hữu Thọ giao với đường Giải Phóng, nơi cửa ngõ khu đô thị Linh Đàm trở thành “nút thắt cổ chai” thường xuyên ùn tắc giao thông nghiêm trọng, nhưng việc giải tỏa “nút cổ chai” Linh Đàm vẫn chưa tìm được sự đồng thuận giữa chính quyền phường, quận, doanh nghiệp, các Sở, ngành tham mưu, UBND thành phố Hà Nội và người dân. Số tiền giải phóng mặt bằng đã tăng hàng trăm lần dự tính ban đầu, đó là chưa kể ùn tắc giao thông gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế - xã hội. Nếu cách giải quyết vẫn thiếu nhất quán như hiện nay, thì  “nút cổ chai” Linh Đàm tiếp tục tồn tại như thách thức các cơ quan chức năng. Vì sao “nút cổ chai” Linh Đàm “trường thọ” nhất Thủ đô? (VOV, 11/12).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục

Ngày 10-12, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Giải pháp nào để gắn bảo tồn với phát triển cầu Long Biên". Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn ĐT&PT cầu Long Biên thì cầu Long Biên cần được bảo tồn nguyên gốc và xây dựng thành điểm du lịch mang tính biểu tượng sẽ có vườn treo, bảo tàng trên cầu, sau khi phương án xây dựng một cầu đường sắt mới hoàn thành. Tuy nhiên, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lại cho rằng cầu nên thực hiện đúng chức năng của cầu, đảm bảo giao thông không khói, đi bộ và không nhất thiết phải đem tất cả giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội lên cầu. Không nhất thiết đem văn hóa Hà Nội lên cầu Long Biên (Pháp luật TP HCM, 11/12). Đề xuất phục dựng cầu Long Biên thành bảo tàng, vườn treo (Hà Nội mới, 11/12).

Ngày 10-12, tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) diễn ra lễ khởi công Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo và dạy nghề dành cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Trung tâm bảo trợ xã hội sẽ góp phần vào việc thực hiện một nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Đối tượng tiếp nhận là nạn nhân chất độc da cam không có khả năng tự phục vụ cho bản thân, người già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Trung tâm cũng tiến hành đào tạo nghề cho các đối tượng xã hội khác. Hà Nội: Xây trung tâm nuôi dưỡng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam (Đại đoàn kết, 11/12).  

Sau khi báo Tiền Phong có bài: “Trường chi bao nhiêu tiền cho bữa ăn của trẻ” số ra ngày 1/12, trong đó phản ánh việc trường Mầm non bước chân vui nhộn ở Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thu mua thực phẩm ở công ty cung ứng thực phẩm chưa phù hợp với mức đóng góp của trẻ, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi báo Tiền Phong và các đơn vị liên quan, yêu cầu Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra, xem xét và xử lý sự việc báo nêu để báo cáo UBND Thành phố và trả lời báo. Hồi âm bài “Trường chi bao nhiêu tiền cho bữa ăn của trẻ”: Yêu cầu kiểm tra làm rõ (tienphong.vn, 08/12).



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t